Thông điệp răn đe Mỹ của đội tàu chiến Nga gần Syria

Kinhtenews - Sự hiện diện của hạm đội Nga tại Địa Trung Hải dường như để răn đe cuộc phiêu lưu quân sự mới của Mỹ và đồng minh ở Syria.

Tàu hộ vệ tên lửa Pytlivy của Nga băng qua eo biển Bosphorus hôm 24/8. Ảnh: Reuters.

Nga đang triển khai khoảng 10 tàu chiến tới Địa Trung Hải trong một đội hình mà truyền thông nước này tuyên bố là lớn nhất từ trước tới nay kể từ khi Nga tham gia vào cuộc chiến ở Syria năm 2015. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Moskva cáo buộc Washington đang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho đòn không kích tiếp theo nhắm vào quân đội chính phủ Syria.

Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, hôm 25/8 cho biết Lầu Năm Góc đang triển khai hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình Tomahawk tới Địa Trung Hải và một oanh tạc cơ B-1B Lancer đến gần Syria, sẵn sàng nhận lệnh tấn công.

Nga cho rằng cái cớ để Mỹ phát động cuộc tấn công là một vụ "tấn công hóa học" do phe nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn dàn dựng ở Idlib, thành trì cuối cùng của các nhóm phiến quân và nổi dậy tại Syria. Các nhóm này đang đối mặt với một chiến dịch tổng tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhằm giải phóng tỉnh Idlib.

Nga lập tức có những biện pháp phản ứng quyết liệt. Hôm 25/8, tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen băng qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ để tiến vào Địa Trung Hải. Trước đó một ngày, tàu hộ vệ Pytlivy và tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov cũng thực hiện hành trình qua eo biển này. Tàu hộ vệ tên lửa Vishny Volochek đã tiến vào Địa Trung Hải từ tháng trước.

Sự bổ sung lực lượng này khiến hạm đội tàu chiến Nga hiện diện gần Syria tăng lên hơn 10 chiếc, phần lớn đều được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr có sức hủy diệt lớn, cộng với đó là hai tàu ngầm đang trên đường tới khu vực. Theo các chuyên gia quân sự, đây là đội tàu chiến lớn chưa từng thấy mà Nga triển khai ở Syria, được coi là thông điệp mang tính răn đe mạnh mẽ đối với đòn tấn công của Mỹ nhắm vào đồng minh Syria của họ.

Cái cớ tấn công hóa học

Theo Al Jazeera, Nga có lý do để lo ngại về nguy cơ Mỹ tiến hành thêm một cuộc không kích lớn vào quân đội Syria, trong bối cảnh các lực lượng chính phủ nước này đang siết chặt vòng vây quanh Idlib chuẩn bị cho chiến dịch tấn công quy mô lớn. Nếu Idlib được giải phóng, các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, huấn luyện và trang bị vũ khí sẽ bị xóa sổ hoàn toàn.

Nỗi lo sợ này càng lớn hơn sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố nước này "sẽ đáp trả với bất cứ hành vi sử dụng vũ khí hóa học nào được xác minh ở Idlib hoặc các nơi khác ở Syria theo cách phù hợp và nhanh chóng".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 23/8 cũng cảnh báo Washington sẽ phát động một cuộc không kích mới nhằm vào Syria nếu phát hiện Damascus sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ coi việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria như lý do để tiến hành biện pháp quân sự nhắm vào quốc gia này. Hồi tháng 4, liên quân Mỹ, Anh, Pháp cũng phóng hàng chục tên lửa vào các mục tiêu ở Syria sau khi cáo buộc quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, ngoại ô thủ đô Damascus. Chính phủ Syria và Nga khẳng định vụ tấn công hóa học này là do nhóm "Mũ Trắng" dàn dựng nhằm tạo cớ cho phương Tây tấn công.

Quân đội Syria đang chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng tỉnh Idlib ở miền bắc, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: BBC.

Tướng Alexei Tsygankov, giám đốc Trung tâm Hòa giải Syria của Nga, hôm qua cho biết thông tin tình báo do họ nhận được từ các nguồn độc lập cho thấy 8 thành viên nhóm Mũ Trắng đã vận chuyển một lượng lớn chất độc từ làng Afs ở Idlib tới một nhà kho của nhóm phiến quân Ahrar al-Sham, theo Sputnik.

"Nhiều thùng nhựa trong số hàng này sau đó được chuyển tới một căn cứ phiến quân khác ở phía nam Idlib nhằm chuẩn bị cho một vụ tấn công hóa học dàn dựng để đổ tội cho quân đội chính phủ", Tsygankov nói. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng nhóm Mũ Trắng nhiều khả năng sẽ quay video các vụ tấn công dàn dựng này để tung lên các trang mạng tiếng Anh và tiếng Arab với mục đích "gây bất ổn tình hình ở Syria".

Phô diễn lực lượng để răn đe

Khi Mỹ, Anh, Pháp chuẩn bị cho đòn không kích nhắm vào Syria hồi tháng 4, Nga gần như án binh bất động, thậm chí còn di tản các tàu chiến ở quân cảng Tartus. Tuy nhiên, phản ứng lần này của Moskva quyết liệt một cách khác thường, dường như phát đi thông điệp rằng Nga sẽ bảo vệ đồng minh Syria đến cùng, dù có phải đối đầu quân sự với Mỹ, theo bình luận viên Alex Lockie của Business Insider.

Tuy nhiên, Omar Lamrani, chuyên gia phân tích quân sự của Stratfor, cho rằng nếu xét về thực lực quân sự, đội tàu chiến hơn 10 chiếc của Nga khó có thể ngăn chặn được đòn tấn công của Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump ra lệnh khai hỏa vào Syria.

"Quân đội Nga gần như không thể làm được gì để triệt hạ đòn tấn công đó", Lamrani nói. "Ngay cả khi các tàu chiến Nga được bố trí ở vị trí phòng thủ lý tưởng, họ cũng sẽ không khải hỏa để bắn hạ toàn bộ tên lửa Mỹ, bởi việc này sẽ bị coi là hành động gây chiến trực tiếp với Mỹ", có thể châm ngòi cho việc tàu chiến Mỹ tấn công hạm đội Nga.

Nếu xung đột giữa hai cường quốc nổ ra trên Địa Trung Hải, Lamrani đánh giá rằng các tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ của Nga khó có cơ hội trụ vững trước dàn hỏa lực hùng hậu của Mỹ. "Nói thẳng ra, Mỹ có ưu thế tuyệt đối ở Địa Trung Hải, các chiến hạm Nga không phải là đối thủ của họ", ông nói.

"Ngay khi khai chiến, Mỹ sẽ sử dụng toàn bộ hỏa lực không quân vượt trội của họ trong khu vực để tấn công và mọi tàu chiến của Nga trên Địa Trung Hải sẽ biến thành đống sắt vụn chỉ trong thời gian ngắn", chuyên gia này nhận định.

Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng đây có thể là kịch bản dẫn đến sự hủy diệt toàn cầu, bởi cả Nga và Mỹ đều sở hữu vũ khí hạt nhân, nên bất cứ xung đột quân sự nào giữa hai nước cũng sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Một chiến hạm Nga phóng tên lửa trong cuộc diễn tập ở Sevastopol, Crimea năm 2015. Ảnh: AP.

Trên thực tế, trong cuộc không kích Syria hồi tháng 4, Mỹ đã tìm mọi cách để tránh các cơ sở, khí tài, binh lực của Nga trên lãnh thổ Syria và tìm cách không làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Bởi vậy, Lamrani tin rằng màn phô diễn lực lượng hải quân của Nga ở Địa Trung Hải hiện nay chỉ là đòn răn đe trên mặt trận tuyên truyền của Nga, nhằm ngăn chặn hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ tại Syria. Trong trường hợp Mỹ vẫn quyết định tấn công, sự hiện diện quân sự lớn của Nga tại đây cũng sẽ hạn chế đáng kể quy mô chiến dịch quân sự của Lầu Năm Góc cũng như thiệt hại đối với đồng minh Syria. Moskva sau đó có thể tuyên bố đòn không kích hạn chế của Washington là một "thất bại" khi không thể thay đổi được cục diện chiến trường Syria.

"Thay vì một trận đối đầu khốc liệt trên không, trên biển với Mỹ ở Địa Trung Hải, Nga đang dựa vào vũ khí tuyên truyền thực sự lợi hại của mình", Lamrani nói. "Vũ khí này có thể giúp họ hạ nhiệt tình hình ở Syria, hoặc giữ thể diện nếu Mỹ vẫn quyết đánh đến cùng".

Thành Nguyễn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889