KINHTENEWS - Hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng ghi nhận đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Nhờ vào sự ổn định về chính trị cũng như là những chính sách khuyến khích đầu tư đã thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó cùng với nhiều thành tựu ấn tượng trong việc hợp tác và hội nhập như ký kết thêm các hiệp định FTA mới, nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện với các quốc gia như Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Đặc biệt, chuyến thăm của tổng thống Biden vừa rồi đã mang đến thỏa thuận về hợp tác toàn diện, và phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn giữa 2 quốc gia.

Việt Nam đã và đang tiếp tục lọt vào ‘tầm ngắm’ của một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó đáng chú ý là TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế tài chính, và Hà Nội - trung tâm chính trị của cả nước, có những bước phát triển nhanh chóng sau khi bộ luật về bất động sản được ban hành vào năm 2003. Kể từ đó, hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng được ghi nhận đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.


Tuy tình hình nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng từ đầu năm 2023 đến nay còn gặp nhiều thách thức, các giao dịch đầu tư và M&A bất động sản vẫn diễn ra. Tuy nhiên các giao dịch trong năm 2023 đã được ghi nhận theo dữ liệu của RCA và Cushman & Wakefield có số lượng ít hơn và tổng giá trị nhỏ hơn 2022. Tổng giá trị giao dịch đầu tư và M&A BĐS tạm tính trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 729 triệu USD, giảm 33% do so với cùng kỳ do thiếu thương vụ có giá trị lớn (Năm 2022 có thương vụ mua lại dự án văn phòng Capita Place trị giá 500 triệu USD). Trong đó, dẫn đầu là các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc với lợi thế về vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, và am hiểu pháp luật địa phương.

Nhìn chung, số liệu giao dịch 2023 cho thấy các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm phần lớn trong hoạt động giao dịch, thu mua, và đầu tư bất động sản; trong khi khối nội chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng giao dịch. Điều này là do doanh nghiệp nội hiện vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như: tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn.

‘Trong một chuỗi sự kiện đầu tư mà Cushman & Wakefield đã tổ chức đầu năm nay, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát với các khách hàng rộng khắp Châu Á Thái Bình Dương của mình về thị trường mà họ đang quan tâm nhất, đa số các phản hồi đều rất tích cực với tiềm năng đầu tư tại Việt Nam,’ bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định. ‘Khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư.’

Nhưng quan trọng hơn hết, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn lại các giao dịch trong giai đoạn 2018 – 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt khoảng 4,2 tỷ USD, trong đó loại hình Nhà ở và Công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượng 46% và 28%, theo dữ liệu từ RCA và Cushman & Wakefield. Điều này cho thấy khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các loại tài sản truyền thống tại Việt Nam, phục vụ chính cho nhu cầu ‘an cư, lạc nghiệp’.

Về triển vọng thời gian tới, Cushman & Wakefield dự báo sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. Hiện nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán khá tích cực. Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Kể từ khi thị trường bất động sản Việt Nam hình thành, phân khúc nhà ở luôn là loại hình hấp dẫn cả nhà đầu tư nội và ngoại. Nhờ vào dân số Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đông dân đứng thứ 15 trên thế giới với 100 triệu người. Mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh càng tăng tính hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại.

Phú Cường
KINHTENEWS - Mới đây, Công ty TNHH BHNT Generali Việt Nam  được vinh danh tại 4 hạng mục quan trọng trong bảng xếp hạng “100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2023” theo khảo sát của công ty Anphabe. Đây là sự ghi nhận đáng tự hào đối với nhiều nỗ lực và đầu tư của Generali Việt Nam để trở thành môi trường “hơn cả một nơi làm việc”.

Nhiều năm liền góp mặt trong bảng xếp hạng “Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”, năm nay Generali Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm với 4 danh hiệu: Top 2 Nơi Làm Việc Tốt Nhất trong ngành Bảo hiểm (*); Top 15 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam (*); Top 15 Doanh nghiệp tiêu biểu có Nguồn Nhân lực Hạnh phúc 2023 (*) và Top 50 Thương hiệu Nhà tuyển dụng hấp dẫn với Sinh viên Việt Nam 2023.


Sự ghi nhận này là nguồn động lực rất lớn để Generali tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào nguồn lực con người như một phần quan trọng của của cam kết “Phát triển bền vững”. Xây dựng Generali Việt Nam trở nên “Hơn cả một nơi làm việc” là chiến lược nhân sự dài hạn và bền vững của chúng tôi nhằm mang đến một môi trường làm việc lý tưởng cùng nguồn nhân lực hạnh phúc, gắn kết, sáng tạo và chuyên nghiệp. Đó cũng là trụ cột trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Người bạn Trọn đời” đối với khách hàng, đối tác, đội ngũ và cộng đồng của Generali Việt Nam, thông qua những sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chất lượng cùng những đóng góp thiết thực cho xã hội” – Bà Nguyễn Phương Anh, Tổng Giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ.

Trong những năm qua, với chiến lược “Hơn cả một nơi làm việc”, Generali Việt Nam liên tục thực hiện nhiều chính sách nhân sự và hoạt động gắn kết để mỗi nhân viên đều có thể “học hỏi – phát triển – vui sống – thăng hoa” (learn – grow – live – thrive).


Generali đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một môi trường làm việc tích cực, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự cảm thông, sáng tạo và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân viên. Luôn đề cao sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (Diversity, Equity & Inclusion), Generali Việt Nam triển khai chính sách làm việc thông minh, linh hoạt cho các nhân viên cần sự giúp đỡ như nhân viên khuyết tật, nhân viên nữ vừa sinh con… Tại Generali Việt Nam, hơn 50% nhân sự cấp quản lý là nữ, chứng tỏ mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển và thăng tiến công bằng, được sống và làm việc hết mình với đam mê mà vẫn cân bằng được công việc và cuộc sống.

Đầu tư mạnh mẽ cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cũng là chiến lược quan trọng của Generali Việt Nam với các chương trình phát triển nhân tài, các khóa học trực tuyến được cập nhật thường xuyên. Nếu như Company Talents là lộ trình đào tạo bài bản suốt 3 năm để xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa, đảm nhận các vị trí trọng yếu trong công ty thì Quản trị viên tập sự Genext là chương trình tìm kiếm và nuôi dưỡng những tài năng trẻ. Ngoài việc được đào tạo, khai vấn, các “hạt giống” nhân tài của Generali Việt Nam còn có cơ hội học tập kinh nghiệm ở các công ty thành viên của tập đoàn ở Châu Âu và các nước Châu Á.


Bên cạnh đó, Generali Việt Nam còn triển khai nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa, thiết thực để tập thể nhân viên có cơ hội gắn bó, tham gia gây quỹ và đóng góp cho cộng đồng, từ đó nâng cao giá trị tinh thần, ý nghĩa công việc và niềm tự hào đối với công ty. Những nỗ lực này đã giúp Generali Việt Nam liên tục góp mặt trong các giải thưởng, bảng xếp hạng nhân sự uy tín từ nhiều năm nay.

Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam là bảng xếp hạng môi trường làm việc uy tín được tổ chức thường niên bởi Anphabe với sự bảo trợ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Khảo sát của Anphabe được thực hiện độc lập nhằm ghi nhận những ý kiến đánh giá khách quan từ hơn 63.000 người đi làm và hơn 9.600 sinh viên nhằm đo lường "sức khỏe" thương hiệu Nhà tuyển dụng của 750 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành nghề khác nhau tại Việt Nam. Phương pháp đánh giá và đo lường của khảo sát được thực hiện dựa trên mô hình 5 bước hấp dẫn nhân tài từ: nhận biết, quan tâm, ứng tuyển, khát khao, và ưu tiên chọn. Đồng thời, nhân viên tại các công ty cũng được khảo sát về môi trường làm việc lý tưởng dựa trên 6 tiêu chí lớn là: tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa & môi trường, lãnh đạo & quản lý, chất lượng công việc – cuộc sống, và danh tiếng công ty.

Phú Cường
KINHTENEWS - Tại diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp, tập đoàn Liên Thái Bình Dương và ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã được vinh danh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam 2023 do bộ trưởng bộ VHTTDL Trao tặng .Tại đây ông Johnathan Hạnh Nguyễn có bài chia sẻ đặc biệt với chủ đề "Bản sắc văn hóa đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam".

Ngày 25/11, tại TP.HCM, diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ ba năm 2023 với chủ đề “Văn hóa kinh doanh dòng chảy phát triển và hội nhập”. Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động "Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam"; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta xác định "doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế", đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố, phát huy, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.


Trong khuôn khổ diễn đàn, Tập đoàn IPPG và một số doanh nghiệp như FPT, PV Drilling, PetroVietnam…được vinh danh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2023 khi đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có tham luận đặc biệt của các doanh nhân uy tín và thành công, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ tại diễn đàn với chủ đề "Bản sắc văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam". Chủ tịch IPPG cho biết, từ một quốc gia lạc hậu và thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình, quy mô GDP đã tăng gấp 26 lần so với những năm đầu đổi mới.

Ông cho rằng, có được những kết quả to lớn đó là do chúng ta đã khơi dậy được khát vọng phát triển của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt, là sự nỗ lực đóng góp hết sức to lớn của hàng triệu doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước. Xã hội ngày càng có cái nhìn tôn vinh đội ngũ doanh nhân, đồng thời cũng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào những phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ doanh nhân Việt nam.

Theo doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, hai yếu tố then chốt tạo nên phẩm chất tốt đẹp của doanh nhân đó là; bản sắc văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp và đạo đức của người doanh nhân. Bởi theo ông, điều này đã tạo nên triết lý kinh doanh và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng và gìn giữ phát triển thương hiệu của mình. Bản sắc văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân cũng chính là nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của đất nước.

Một doanh nghiệp có nền tảng bản sắc văn hóa vững,thì mới phát triển bền vững, tạo nên hình ảnh thương hiệu của riêng mình. Bản sắc văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh to lớn truyền cảm hứng, tác động trực tiếp đến ý chí và hành động của đội ngũ lãnh đạo và toàn thể nhân viên của doanh nghiệp.

Vì vậy, người doanh nhân cần lấy đạo đức làm gốc rễ nền tảng và khát vọng phát triển làm giàu làm đích đến, khát vọng làm giàu của doanh nhân là chính đáng, nhưng không làm giàu bất chấp. Khi đối diện khó khăn thách thức cần có bản lĩnh kiên trì theo đuổi đạo đức kinh doanh, xây dựng chữ Tâm, chữ Tín với khách hàng và chỉ khi việc kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa đạo đức thì sẽ luôn nhận được sự tôn trọng, hỗ trợ của các đồng nghiệp, luôn có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường và được xã hội trân trọng”, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trong đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần theo định hướng phát triển lành mạnh, cần nhận ra ranh giới giữa việc học tập lẫn nhau và sự sao chép bắt chước, vi phạm bản quyền. Tìm cách lách qua kẽ hở của pháp luật, khác hoàn toàn với nỗ lực tận dụng những ưu đãi khuyến khích của pháp luật.

Văn hóa doanh nghiệp còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội, cần cân nhắc đến sự an toàn bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, công tác xã hội và từ thiện... khi đặt văn hóa kinh doanh lên trên lợi nhuận, doanh nghiệp càng phát triển lớn mạnh và bền vững.

Là người tiên phong và chứng kiến sự chuyển mình của đất nước, theo ông, các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam rất khác biệt so với các nước bạn, doanh nghiệp và doanh nhân chúng ta có bản sắc văn hóa kinh doanh rất kiên nhẫn, khả năng thích ứng cao và năng lực trỗi dậy, hồi phục mạnh mẽ dù phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tuy nhiên, bản sắc và văn hóa kinh doanh của mỗi quốc gia không chỉ phản ánh khía cạnh văn hóa và lịch sử đặc trưng của từng quốc gia mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố gồm giá trị văn hóa lịch sử, các quy định về pháp lý và môi trường kinh doanh đặc thù của quốc gia đó. Môi trường kinh doanh có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi hoặc khó khăn cho sự phát triển doanh nghiệp.

Qua những năm tháng trên thương trường, tôi đã học được rằng, mỗi bản sắc văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân của mỗi quốc gia, đều mang lại những bài học quý báu. Sự hiểu biết và tôn trọng những bản sắc văn hóa khác nhau, cùng với khả năng thích nghi và sự sẵn sàng học hỏi, chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công trong kinh doanh”, Chủ tịch IPPG đánh giá.

Nói về bản sắc văn hóa kinh doanh tại IPPG cũng như của bản thân, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định, bí quyết thành công của ông qua gần 40 năm gắn bó với thương trường, chính là việc luôn thượng tôn pháp luật và duy trì sự minh bạch.

Ông cho biết, bản sắc văn hóa kinh doanh tại IPPG là kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà luôn song hành với sự phát triển của đất nước, sự thành công tại IPPG không nằm ở danh mục đầu tư mà ở sự đóng góp của mỗi ngành kinh doanh của Tập đoàn vào sự thịnh vượng của nền kinh tế và xã hội nước nhà.

Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh: “Sự nghiệp kinh doanh là một hành trình dài đầy thử thách và cơ hội. Tôi mong rằng những chia sẻ về bản sắc văn hóa kinh doanh của tập đoàn IPP chúng tôi ngày hôm nay sẽ giúp quý vị có thêm cảm hứng trên con đường kinh doanh của mình. Xin hãy nhớ rằng, thành công không chỉ đến từ những chiến lược và kỹ năng bản lĩnh xuất sắc, mà còn đến từ lòng trung thực, sự tôn trọng đối với pháp luật và tình yêu tổ quốc vô bờ bến.

Phú Cường
KINHTENEWS - Đường Đồng Khởi của TP. Hồ Chí Minh tăng 1 bậc lên hạng 13, nằm trong “top” những mặt bằng bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới.

Công ty Cushman & Wakefield (NYSE: CWK) vừa phát hành ấn bản thứ 33 của báo cáo Đại lộ Bán lẻ Thế giới, trong đó nghiên cứu giá thuê mặt bằng bán lẻ cao cấp tại các thành phố trọng điểm trên toàn cầu.

Theo đó, Đại Lộ số 5 của New York vẫn giữ được vị trí hàng đầu là điểm bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới, mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng giá thuê không đổi so với cùng kỳ năm trước (YOY).

Via Montenapoleone của Milan nhảy lên vị trí thứ hai, vượt qua Tsim Sha Tsui của Hồng Kông(Trung Quốc), khiến địa điểm này tụt xuống thứ ba. Phố New Bond ở London và Avenues des Champs-Élysées ở Paris lần lượt giữ vị trí thứ 4 và thứ 5…. Đặc biệt, trong xếp hạng lần này đường Đồng Khởi của TP. Hồ Chí Minh cũng tăng 1 bậc lên hạng 13, nằm trong “top” những mặt bằng bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới.

Báo cáo tập trung vào giá thuê trung bình tại các vị trí bán lẻ trong khu vực đô thị đẳng cấp nhất trên toàn thế giới, trong đó, nhiều trường hợp là các cửa hàng bán đồ xa xỉ. Giá trị cho thuê trong phân khúc đặc biệt này cũng có tác động bởi những thương lượng khuyến mãi, gói ưu đãi hoặc mô hình cho thuê chia sẻ rủi ro đã trở nên nổi bật hơn trên các thị trường bán lẻ khác.


Tác giả của báo cáo và cũng là Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Quốc tế tại Châu Á Thái Bình Dương, Tiến sĩ Dominic Brown cho biết: “Bán lẻ vẫn tiếp tục con đường phục hồi bất chấp làn sóng thách thức mới sau đại dịch khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế chu kỳ lạm phát hiện tại. Đáp lại, dự báo tăng trưởng kinh tế đã bị cắt giảm và người tiêu dùng chiếm ưu thế trong chi tiêu tùy ý.”

Trên toàn cầu, giá thuê tăng trung bình 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Châu Á Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất (5,3%), tiếp theo là Châu Mỹ (5,2%) và Châu Âu (4,2%).

Bất chấp mức tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ này, trong hầu hết các trường hợp, mức tăng giá thuê không tương xứng với mức lạm phát cao nhất. Cùng với bảng xếp hạng toàn cầu, báo cáo còn đưa ra thứ hạng cho từng khu vực. Ở Châu Á Thái Bình Dương, Hồng Kông và Tokyo thống trị những con phố đắt đỏ nhất khu vực, chiếm 6 trong 8 bảng xếp hạng hàng đầu.

Việt Nam, Nhật Bản và Ấn Độ đều có mức tăng trưởng đáng kể, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 12% đến 18%. Sự tăng trưởng giá thuê của Nhật Bản được thúc đẩy bởi Midosuji ở Osaka, nơi ghi nhận mức tăng 60% sau sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tế, trong khi giá thuê ở Banjara Hills, Hyderabad, tăng 40% so với điểm xuất phát tương đối thấp. Giá thuê tại đường Đồng Khởi của TP. Hồ Chí Minh là 390 USD/feet vuông (= 0.0929 mét vuông)/năm và đường Tràng Tiền của Hà Nội là 334 USD/feet vuông/năm, lần lượt tăng 17% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiến sĩ Brown cho biết: “Các điểm đến bán lẻ truyền thống hàng đầu của Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục có giá thuê cao, chiếm 4 trong số 10 địa điểm đắt đỏ nhất trên toàn cầu. Khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng giá thuê trung bình 5,3% so với cùng kỳ năm trước, kết hợp với triển vọng kinh tế tương đối mạnh mẽ vào năm 2024, là tín hiệu tốt cho sự phục hồi liên tục của lĩnh vực bán lẻ tại các thị trường xa xỉ quan trọng.

Theo báo cáo, hơn 95% thương hiệu xa xỉ báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận vào năm 2022, xu hướng này vẫn tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2023. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức vào năm 2024, nhưng ngành bán lẻ cao cấp dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động tương đối tốt nhờ vào lượng khách hàng cốt lõi, vốn thường ít bị ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Phú Cường
KINHTENEWS - Biểu giá bán lẻ điện dự kiến còn 5 bậc thay vì 6 như hiện hành và giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) là hơn 3.612 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT.

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên.

Giá điện các bậc thang 1-5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng một kWh (mức điều chỉnh từ ngày 9/11). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612 đồng một kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT.

Phương án giá sinh hoạt theo 5 bậc được Bộ Công Thương cho biết sẽ phản ánh chi phí, tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng; giúp hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Chênh lệch giữa bậc 1 và 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng các hộ dùng điện nhiều, trên 711 kWh một tháng (khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc) phải trả tăng tiền điện.

Ngoài rút gọn số bậc thang, Bộ Công Thương cho biết ở lần chỉnh sửa này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện.

Theo đó, giá điện cho 100 kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (gần 33,5% tổng số hộ dùng điện). Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này, Bộ Công Thương cho biết, sẽ được bù từ hộ dùng 401-700 kWh và trên 700kWh. Tức là, giá điện các bậc cao (từ 400 kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp, theo Bộ Công Thương.

Công nhân điện lực Hà Nội sửa chữa trên đường dây, năm 2021. Ảnh: Ngọc Thành

Cũng theo dự thảo, giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch sẽ được tính bằng giá cho sản xuất. Việc này nhằm tính đúng, đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất. Nhóm khách hàng đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ bổ sung bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông, chiếu sáng công cộng.

Tương tự bản dự thảo hồi tháng 7, Bộ Công Thương đưa ra giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện chia theo cấp điện áp (giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm), nhưng lại đề nghị ba phương án.

Phương án 1, giá thấp nhất 68% giá bán lẻ điện bình quân và cao nhất 205% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 1.365 đồng và 4.114 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Ưu điểm phương án này là giá phản ánh chi phí sản xuất, đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng dùng điện. Nhưng cơ cấu biểu giá bán lẻ sẽ phải bổ sung thêm nhóm khách hàng mới trong khi các nhóm khác vẫn thực hiện theo lộ trình để giá điện phản ánh chi phí. Nghĩa là giá cho sản xuất vẫn thấp hơn giá phân bổ phản ánh chi phí, còn giá cho kinh doanh cao hơn.

Phương án 2, giá bán lẻ cho trạm sạc xe điện theo giá kinh doanh. Áp dụng cách này sẽ không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nhưng có thể tác động tới chính sách phát triển xe điện do tăng chi phí sạc.

Phương án 3, giá cho trạm sạc xe điện tính theo giá sản xuất. Phương án này theo Bộ Công Thương có thể tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do giá này thấp hơn, nên buộc phải tăng giá các nhóm khách hàng khác để cân đối doanh thu. Tức là sẽ có bù chéo từ các nhóm khách hàng cho trạm sạc xe điện. Do phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng, nên Bộ Công Thương kiến nghị không xem xét phương án này. Thay vào đó, Bộ báo cáo Thủ tướng lựa chọn phương án 1 hoặc 2, tức tính theo giá kinh doanh hoặc tỷ lệ so với giá bán lẻ bình quân.

P.V
KINHTENEWS - Phó thủ tướng Nga Andrey Belousov cho biết 95% thương mại giữa hai nước hiện tại là bằng ruble và nhân dân tệ.

Hôm 20/11, tại một cuộc họp ủy ban liên chính phủ Nga - Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Belousov thông báo tiền tệ của các nước phương Tây đang dần biến mất trong hoạt động thương mại Nga - Trung Quốc. Từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau chiến sự Ukraine, hai nước này đã tăng tốc sử dụng nội tệ trong thương mại.

Theo ông Belousov, khoảng 95% giao dịch hai bên đang thực hiện bằng ruble và nhân dân tệ. Với mức độ hợp tác kinh tế hiện tại, tỷ lệ này có thể còn tiếp tục tăng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Nga cũng cho biết kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt 200 tỷ USD năm nay và có thể chạm 300 tỷ USD năm 2030. Năm ngoái, thương mại giữa Moskva và Bắc Kinh đạt kỷ lục 190 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2021, do các lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Nga chuyển hướng thương mại về phía đông.

Belousov cho biết Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại lớn của Nga. Triển vọng đầu tư giữa hai nước đang tiếp tục mở rộng. "Các dự án hợp tác đầu tư mới đang được thực hiện trong nhiều lĩnh vực ưu tiên như ôtô, khai mỏ, khí đốt, nông nghiệp, logistics, công nghệ thông tin", ông nói.


Các công ty Trung Quốc hưởng lợi lớn sau khi doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga vì chiến sự tại Ukraine. Họ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống bị bỏ lại và ráo riết tăng hiện diện tại Nga.

"Việc doanh nghiệp phương Tây rời Nga đã tạo cơ hội lớn cho các đối tác Trung Quốc tiến sâu vào nhiều lĩnh vực của Nga, như dầu khí, hóa dầu, sản xuất linh kiện ôtô, cũng như hàng tiêu dùng, thủy tinh, vật liệu xây dựng", ông Belousov nhấn mạnh.

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp lớn các sản phẩm năng lượng cho Trung Quốc, như dầu khí hay nông sản. Trung Quốc thì xuất khẩu gần như tất cả hàng hóa sang đây, từ thực phẩm, thiết bị máy móc, điện thoại di động, đồ chơi, quần áo.

Hà Thu

KINHTENEWS - Chính thức công diễn vào 18/11/2023, “Án mạng đêm không trăng” là vở diễn được NS Minh Nhí dồn tâm huyết với mong muốn sẽ mang đến món ăn tinh thần đậm đà cùng màu chính kịch xen lẫn những tình huống hài hước quyết chinh phục những khán giả khó tính.


Sau thời gian Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh đi vào ổn định với hàng loạt vở diễn nhận được sự chú ý của giới miệu độ và quý khán giả như: Mẹ hát rong, Bí mật trăm đốt tre, Lụa máu, ... “Thừa thắng xông lên”, nghệ sĩ Minh Nhí tiếp tục hợp tác với nhiều đạo diễn mới. Và đạo diễn Ngọc Duyên - “Nữ quái sân khấu” với những vở diễn chính kịch, tâm lý nức lòng khán giả ái mộ kịch nghệ chính thức ra mắt tại Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh với vở diễn “Án mạng đêm không trăng”. Sự xuất hiện lần đầu của Quán quân Kịch cùng Bolero Ngọc Duyên cùng với kỳ vọng chinh phục biển lớn, NS Minh Nhí tâm huyết tập luyện ngày đêm cùng ekip chỉ trong 12 ngày. NS Minh Nhí chia sẻ: “Minh Nhí thật sự yên tâm sau khi vở diễn được phúc khảo và nhận được nhiều lời tán dương từ hội đồng. Bởi chuyển thể từ vở cải lương của cố soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng đã là một áp lực, nếu khai thác không mới rất dễ trở thành con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, lời khen từ quý hội đồng đã giúp Minh Nhí có thêm niềm tin rằng Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh hoàn toàn có thể làm những vở diễn chất lượng, chỉnh chu và có thể cạnh tranh tốt trong thị trường kịch nói hiện nay”.


Khéo léo mang hơi thở thời đại vào vở diễn để truyền tải thông điệp về tình yêu, gia đình qua những tình huống cười ra nước mắt của một gia đình tài phiệt thập niên 60, Đạo diễn Ngọc Duyên lấy cảm tác từ vở cải lương nổi tiếng “Rồi 30 Năm Sau” của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng để đưa đến bi hài kịch “Án mạng đêm không trăng”. Vì tình yêu mù quáng Phán Thức (Diễn viên Công Danh thủ vai) vu oan cho Hai Thành (Diễn viên trẻ Danh Nhân thủ vai) để chiếm đoạt người đàn bà mình thương là Bà Phán (Vợ cũ của Hai Thành ) do NS Cát Phượng thủ vai. Ba mươi năm sau Long (Diễn viên Bảo Kun thủ vai) vì muốn điều tra sự thực về cái chết của cha mình nên đã lợi dụng Hân (NS Bình Tinh thủ vai) con gái của Phán Thức để vào nhà Phán Thức điều tra sự thật mọi bi kich đều xảy ra từ đây.


Cùng một dàn cast đầy hào nhoáng với danh hiệu Quán quân, Á quân của cuộc thi lớn như NS Bình Tinh - Quán quân “Sao Nối ngôi”, Á quân Cười Xuyên Việt Bảo Bảo - Di Dương, Á quân Én vàng Nghệ sỹ Bảo Kun,… có thể nói đây là vở kịch của những ngôi sao truyền hình thực tế.



Đặc biệt, sự trở lại lần này của NS Cát Phượng với nhân vật Bà Phán đã khiến khán gải hết lòng khen ngợi, dành những mỹ từ cho cô sau 12 năm vắng bóng trên sân khấu kịch dài. Nhân vật Bà Phán hiện lên đầy sinh động như chất xúc tác của bộ đôi lửa nước Long (Diễn viên Bảo Kun thủ vai) và Sỹ (Diễn viên Trung Tín thủ vai). Dòng chảy của tình thương được nung nấu qua từng lớp kịch và cao trào khi sự thật được hé lộ, NS Cát Phượng hoàn toàn nhập tâm và dẫn dắt khán giả tuôn trào cảm xúc cùng chính nhân vật.


Minh Nhí vẫn giữ cho mình sự duyên dáng của một nghệ sĩ gạo cội đảm nhận được tất cả các vai diễn với nhiều cảm xúc khác nhau. Vai diễn của Minh Nhí sẽ là mắc xích quan trọng để giải quyết được những xung đột đã và đang diễn ra trong một gia đình tưởng như yên bình và hạnh phúc.


Cùng với đó là sự xuất hiện duyên dáng của NS Bình Tinh khi hóa thân vào cô Ba Hân nặng lòng với một tình yêu đầy sóng gió. Chính những khuất mắt chưa được giải bày đã đẩy tình cảm trong trẻo của cô Ba Hân cách xa nhân vật Long do Bào Kun thủ vai. Nặng tình nhưng lại xa cách bởi một tình huống trớ trêu, cô Ba Hân được khán giả cảm thông và yêu mến cho chính số phận ấy.



Không dừng lại ở những tình huống khuất mắt đầy kịch tính trong một gia đình tài phiệt, “Án mạng đêm không trăng” còn đọng lại với những tình huống dở khóc dở cười của bộ đôi Lụm - Mót do Bảo Bảo và Di Dương thủ vai. Đều là hai Á quân bước ra từ một chương trình hài có tiếng, bộ đôi Bảo Bảo và Di Dương khiến khán giả không ngớt cười với những tạo hình và điệu bộ dí dỏm của cặp gia nô của gia đình tài phiệt.

“Án mạng đêm không trăng” đã khéo léo lên án quyền lực và tiền bạc chi phối sự tự do, hạnh phúc và có khi là cả mạng sống oan nghiệt.. Thông qua câu chuyện về gia đình tài phiệt với những diễn biến bất ngờ, gài cắm những chi tiết rất đắt để hé lộ về vụ án 30 năm trước để gieo lên bài học về luật nhân quả “cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. “Án mạng đêm không trăng” có lối kể chuyện hiện đại, mô tả những tình tiết gay cấn, bất ngờ không thể đoán trước

“Án mạng đêm không trăng” hiện tại vẫn đang công diễn tại Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh với nhiều suất diễn. Vé được bán tại hotline 0707 52 91 91 – 0909 552 447 và ticketbox.vn

Phú Cường

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889