Nguồn cung thịt heo đang cạn

KINHTENEWS - Hầu hết doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi dự báo giá heo tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt, trong khi một lượng lớn bị "tuồn" qua Trung Quốc. 

Một doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt heo ở TP HCM cho biết, đàn heo ở trang trại của doanh nghiệp ông đã cạn, các trại nuôi trong dân cũng không còn nhiều nên ông buộc phải nhập thêm heo từ những doanh nghiệp đối thủ.

Cũng chính vì khan hiếm nên khi đặt mua, doanh nghiệp của ông buộc phải chịu thêm 2 giá. "Lần đầu, doanh nghiệp cung cấp báo giá heo hơi 61.500 đồng một kg, nhưng khi đặt mua chúng tôi phải trả giá 63.500 đồng. Mỗi đợt nhập là mỗi đợt tăng và chưa bao giờ chúng tôi mua được ở mức giá báo trước đó", doanh nhân này nói và nhận định nguồn cung thịt heo đang thiếu là có thật. Tuy nhiên, khó có thể thống kê cụ thể vì mô hình chăn nuôi ở Việt Nam còn manh mún, tự phát và chưa theo hệ thống.

Người dân mua thịt heo tại chợ Bến Thành (TP HCM). Ảnh: Thi Hà.

Cũng xác nhận nguồn cung thịt heo không còn dồi dào như trước, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi giá heo liên tục tăng cao.

"Nguồn heo nuôi của công ty chỉ đáp ứng cho nhà máy được khoảng 10%, nên phụ thuộc khá nhiều vào thị trường. Để mua được heo, công ty buộc phải trả giá cao nhưng cũng chỉ giết mổ ở giới hạn 1.200 con một ngày. Nếu giết mổ nhiều, công ty dễ thua lỗ vì giá heo hơi bình ổn đang thấp hơn so với thực tế", vị này nói và cho biết hiện giá heo hơi tại trang trại của một đối tác báo là 68.500 đồng một kg, nhưng khi mua thì giá chính thức hôm nay lên tới 73.500 đồng.

Là doanh nghiệp cung cấp nguồn cung heo hơi lớn trên thị trường, đại diện CP Việt Nam khẳng định, dịch bệnh lan rộng khiến giá cả leo thang do nguồn cung thiếu hụt. "Chúng tôi không dám đưa ra con số thiếu hụt cụ thể nhưng nguồn heo cho thị trường hiện nay không nhiều. Dù công ty đã tăng 10% lượng heo cung ứng, nhưng nhu cầu thị trường vẫn khá lớn. Trong khi đó, nhiều trang trại vừa và nhỏ không dám tái đàn khiến nguồn heo càng giảm", đại diện CP nói và cho hay mỗi ngày công ty bán ra thị trường 16.000 - 17.000 con

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định giá thịt heo đang vận động theo cung – cầu thị trường. Trên thực tế, ngoài con số 5,9 triệu con bị tiêu hủy do dịch bệnh được công bố, thì số lượng heo "bán đổ bán tháo" chạy dịch trước đó cũng lên tới hàng triệu con. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi có heo dịch bệnh còn tự tiêu hủy và chôn lấp tại trang trại. Số khác đã ngưng tái đàn để chuyển qua chăn nuôi gia cầm. Do đó, theo ông Công nếu chỉ lấy số lượng 5,9 triệu con heo tiêu hủy để dự báo cho lượng heo thiếu hụt của thị trường là thiếu chính xác và con số này có thể tăng gấp 2 - 3 lần.

"Hiện nay, số lượng găm hàng giữ giá có nhưng không nhiều. Bởi, Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia chiếm 50% nguồn cung thịt heo cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, vì lâm vào cảnh dịch bệnh nên lượng heo giảm", ông Công nói và dẫn chứng, giá heo hơi của Trung Quốc hôm nay (19/11) ở mức 13 -15 triệu đồng một tạ, chênh gấp đôi so với giá heo hơi Việt. Trong khi đó, từ trước tới nay Việt Nam vẫn xuất heo qua Trung Quốc bằng tiểu ngạch. Do đó, khó có thể khẳng định thương lái không gom heo sang Trung Quốc khi mà giá chênh lệch quá lớn. Hiện miền Bắc giáp ranh Trung Quốc, trong khi đó vùng này chịu thiệt hại nặng nề của dịch bệnh nên khi heo trong vùng khan hiếm mà hàng lại "dành" cho xuất tiểu ngạch thì vô tình đẩy giá lên cao.

Trong khi doanh nghiệp, hiệp hội lo lắng về thiếu nguồn cung, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, vẫn khẳng định nguồn cung sẽ ổn định trong thời gian tới. Theo ông, giá heo bình quân vẫn đang ở mức 68.000 - 75.000 đồng một kg. Một số nơi tăng tới 80.000 đồng chỉ là tăng cục bộ ở một vài cơ sở nhỏ lẻ không đáng kể. Sở dĩ có sự khác nhau này là do nguồn cung chưa đồng đều.

Ông Dương cho biết, Bộ đang đưa ra các giải pháp để giúp ổn định nguồn cung giữa các vùng, như khuyến khích đưa heo từ những nơi dồi dào tới nơi khan hiếm để tránh tăng giá đột biến; chỉ đạo cho tái đàn. Song song đó, bổ trợ thêm nguồn cung từ các loại thực phẩm khác. Cụ thể, nguồn cung gia cầm tăng 13,5%, gia súc ăn cỏ tăng 4,2-4.5%, thủy hải sản tăng 6,5%. Do đó, theo ông Dương, thời gian tới nguồn cung có thiếu nhưng không nhiều và giá cũng sẽ không tăng đột biến.

Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về bình ổn giá trong bối cảnh giá thịt lợn đang tăng cao hôm qua (18/11), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ, ngành cần nhận định sát, đúng tình hình, tránh cực đoan duy ý chí hoặc phức tạp hóa vấn đề, tạo lạm phát kỳ vọng. Bởi, theo ông Huệ "không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, thịt dê". Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có chủ quan quá không khi nói không thiếu hụt nguồn cung?

Phó Thủ tướng khẳng định giá thịt lợn đã tăng 18,64% vượt cả dự báo từ đầu năm 2019, nhất là xuất hiện tình hình phức tạp về đầu cơ thịt lợn. Một bộ phận thương lái, đầu nậu liên kết với cơ sở chăn nuôi găm hàng và đẩy giá lên cao so với thực tế, dẫn tới người sản xuất không được lợi mấy, chỉ nhóm trung gian được lợi.

Nhận định nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25- 30% một ngày. Đặc biệt, Bộ phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý; báo cáo Chính phủ kế hoạch để bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.

Phần thiếu hụt, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung - cầu thịt lợn trong nước. Việc nhập khẩu thịt lợn làm sao phải vừa đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, nhưng không ảnh hưởng đến người sản xuất.

Thi Hà
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889