Biệt thự bỏ hoang thành chuồng bò ở Trung Quốc

KINHTENEWS - Từng được kỳ vọng bán hàng triệu USD mỗi căn, khu biệt thự ở Đông Đắc Trung Quốc nay trở thành chuồng nuôi bò, dê của nông dân địa phương.

Nằm xung quanh những ngọn đồi ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, cách Bắc Kinh khoảng 640 km về phía đông bắc, State Guest Mansions là dự án biệt thự được phát triển bởi Greenland Group (Thượng Hải). Động thổ năm 2010, dự án ban đầu được hình dung là quần thể biệt thự nguy nga dành cho tầng lớp thượng lưu, có cả sân golf và khách sạn cao cấp.

Tuy nhiên, dự án dừng triển khai chỉ sau vài năm khởi công, khi Greenland Group bán được khoảng 5% giỏ hàng. Theo AFP, nguyên nhân dự án bị dừng không rõ ràng. Người dân địa phương cho là do ảnh hưởng bởi nguồn vốn tài trợ bị cắt giảm và chính quyền siết các dự án phát triển ồ ạt không kiểm soát. Hiện nay, "cư dân" chính tại đây là bò, dê. Sự trớ trêu hiện rõ khi mùa canh tác đến. Nông dân địa phương cày đất giữa các căn nhà để trồng trọt. Trong khi đó, các nhà để xe ôtô được tận dùng làm nơi chứa cỏ khô.

Khu biệt thự State Guest Mansions thành chuồng bò ngày 31/3/2023 ở ngoại ô Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc. Ảnh: AFP

Họ xây thêm các hàng rào tạm bợ bằng gỗ để quây đàn bò trong các biệt thự. Khi Jonathan Cheng, phóng viên của tờ Wall Street Journal, đến thăm gần đây, người dân còn nuôi thêm dê.

Bên trong các dinh thự bỏ hoang, rác và bụi bặm là "đồ nội thất" duy nhất, thay vì đồ trang trí cầu kỳ hay đèn chùm pha lê. Tại sàn giao dịch, sa bàn khu 260 biệt thự của dự án vẫn còn.

State Guest Mansions chỉ là một trong số các khu phát triển đô thị bị bỏ hoang rải rác khắp Trung Quốc. Cách nó không xa là một khu phức hợp cao tầng bỏ hoang. "Đây là một trong những dự án phát triển bất động sản dân cư ở Thẩm Dương đang bị đóng băng", Cheng nói và chỉ vào hàng chục tòa nhà khoảng 15 tầng.

Phóng viên Jonathan Cheng của WSJ đến dự án biệt thự State Guest Mansions và khu dân cư cao tầng bỏ hoang của Evergrande tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Video: WSJ

Với khung bê tông và không có cửa sổ, các tòa nhà trông giống như những ngôi nhà búp bê khổng lồ trống rỗng, chờ đợi ai đó đến tô vẽ và trang trí cho chúng. Nhưng giống như món đồ chơi bị vứt đi rất lâu sau khi đứa trẻ trưởng thành, dự án không dễ gì hồi sinh.

Khu phức hợp này được phát triển bởi China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản đang nợ nần chồng chất. Tháng trước, Tòa án Hong Kong buộc Evergrande phải thanh lý tài sản để trả khoản nợ 300 tỉ USD. Theo Wall Street Journal, khoảng 800.000 trong số 1,2 triệu căn nhà bán trước của công ty vẫn chưa hoàn thành.

Trong nhiều thập kỷ, bất động sản là một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, từng được chính phủ khuyến khích. Nhưng dân số già đi, những lo ngại về khả năng chi trả và đại dịch cùng với các yếu tố khác đã dẫn đến mất cân bằng cung cầu. Chính phủ từ đó ra chính sách "3 lằn ranh đỏ" để siết thói quen vay mượn liều lĩnh của các nhà phát triển.

Không chỉ Evergrande, nhiều công ty khác trong ngành tại Trung Quốc cũng đang lâm nợ, vật lộn với thua lỗ, dẫn đến các dự án dở dang. Greenland Group, nhà phát triển khu biệt thự thành chuồng bò State Guest Mansion, đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế trị giá 400 triệu USD.

Có khoảng 50 vụ vỡ nợ của các công ty bất động sản Trung Quốc những năm gần đây. Tính đến tháng 11/2023, còn 20 triệu căn nhà đã được bán trước cho khách hàng nhưng không được hoàn thành. Tình hình khiến tầng lớp trung lưu mất niềm tin vào thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu và tạo thêm rủi ro cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bloomberg, nhiều người Trung Quốc đã trở nên giàu có nhờ nhà đất và 70% tài sản gia đình được cất giữ dưới dạng bất động sản. Họ ước tính, cứ giá nhà giảm 5% sẽ xóa sạch 19.000 tỷ nhân dân tệ (2.700 tỷ USD) tài sản nhà ở.

Anh Kỳ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889