Thương mại Nga - Trung vắng bóng USD

KINHTENEWS - Phó thủ tướng Nga Andrey Belousov cho biết 95% thương mại giữa hai nước hiện tại là bằng ruble và nhân dân tệ.

Hôm 20/11, tại một cuộc họp ủy ban liên chính phủ Nga - Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Belousov thông báo tiền tệ của các nước phương Tây đang dần biến mất trong hoạt động thương mại Nga - Trung Quốc. Từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau chiến sự Ukraine, hai nước này đã tăng tốc sử dụng nội tệ trong thương mại.

Theo ông Belousov, khoảng 95% giao dịch hai bên đang thực hiện bằng ruble và nhân dân tệ. Với mức độ hợp tác kinh tế hiện tại, tỷ lệ này có thể còn tiếp tục tăng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Nga cũng cho biết kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt 200 tỷ USD năm nay và có thể chạm 300 tỷ USD năm 2030. Năm ngoái, thương mại giữa Moskva và Bắc Kinh đạt kỷ lục 190 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2021, do các lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Nga chuyển hướng thương mại về phía đông.

Belousov cho biết Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại lớn của Nga. Triển vọng đầu tư giữa hai nước đang tiếp tục mở rộng. "Các dự án hợp tác đầu tư mới đang được thực hiện trong nhiều lĩnh vực ưu tiên như ôtô, khai mỏ, khí đốt, nông nghiệp, logistics, công nghệ thông tin", ông nói.


Các công ty Trung Quốc hưởng lợi lớn sau khi doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga vì chiến sự tại Ukraine. Họ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống bị bỏ lại và ráo riết tăng hiện diện tại Nga.

"Việc doanh nghiệp phương Tây rời Nga đã tạo cơ hội lớn cho các đối tác Trung Quốc tiến sâu vào nhiều lĩnh vực của Nga, như dầu khí, hóa dầu, sản xuất linh kiện ôtô, cũng như hàng tiêu dùng, thủy tinh, vật liệu xây dựng", ông Belousov nhấn mạnh.

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp lớn các sản phẩm năng lượng cho Trung Quốc, như dầu khí hay nông sản. Trung Quốc thì xuất khẩu gần như tất cả hàng hóa sang đây, từ thực phẩm, thiết bị máy móc, điện thoại di động, đồ chơi, quần áo.

Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889