KINHTENEWS - Tròn 100 năm phát triển nhà ở xã hội, Vienna hiện có 60% dân số hưởng lợi mô hình này với giá thuê thấp và nơi ở chất lượng.
Vienna luôn có vị trí rất cao trên các bảng xếp hạng về thành phố đáng sống trên thế giới. Năm nay, nơi đây một lần nữa đứng đầu trong bảng xếp hạng "Chỉ số Đáng sống Toàn cầu" (Global Liveability Index) của Economist Intelligence Unit. Vậy thủ đô của Áo đã làm gì để tạo ra một chiến lược nhà ở phù hợp với đại đa số cư dân?
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Vienna là một trong những thành phố hàng đầu của châu Âu. Đây là nơi giao thoa văn hóa và nghệ thuật, với sự đan xen của những ý tưởng cấp tiến và thịnh vượng, nhưng đồng thời cũng phân chia giai cấp sâu sắc.
Julia Anna Schranz, nhà sử học tại Đại học Vienna, cho biết nhiều người chuyển đến thành phố thời kỳ ấy nhưng không đủ chỗ ở phù hợp. Vì thế, các chủ đất và nhà đầu tư tư nhân xây dựng những căn hộ với thiết kế và điều kiện vệ sinh tồi tàn để thu hút các gia đình công nhân đến ở.
Chia sẻ giường là cách phổ biến của người nghèo. Những người làm việc theo ca sẽ thuê cùng một chiếc giường và luân phiên nhau ngủ trên đó vào những thời điểm khác nhau trong ngày hoặc đêm. "Điều đó thực sự tệ đối với tầng lớp lao động," bà Schranz nói.
Bước ngoặt sau Thế chiến I
Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc đã thay đổi mọi thứ, khi Đế quốc Áo - Hung sụp đổ. Áo trở thành nước cộng hòa và cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra sau đó. Năm 1919, Vienna tổ chức cuộc bầu cử hội đồng thành phố đầu tiên và chính quyền mới đã tiến hành cải cách. "Chính quyền thành phố muốn tạo ra một xã hội mới, thay đổi cuộc sống tầng lớp lao động", bà Schranz nói.
Vào năm 1923, Hội đồng thành phố Vienna, quyết định xây 25.000 căn nhà ở xã hội cho người nghèo. Cùng với đó, họ xây dựng thư viện, bể bơi, cơ sở thể thao công cộng và phòng tập thể dục ngoài trời. Ngân sách đầu tư được lấy từ việc tăng thuế với đất đai, tiền thuê nhà và hàng xa xỉ. "Họ đánh thuế sâm panh, nhà thổ, dịch vụ ăn uống cao cấp, cưỡi ngựa, xe hơi", nhà sử học Wolfgang Maderthaner nói.
Một góc nhà ở xã hội Karl Marx-Hof hoàn thành năm 1930. Ảnh: Wikimedia Commons
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ về quy hoạch và nhà ở tại Đại học Cambridge Justin Kadi, xây dựng nhà ở xã hội với điều kiện sống tốt hơn được ưu tiên lúc đó. "Chính quyền khi ấy có khẩu hiệu 'những gì chúng ta muốn là không khí và ánh sáng", Kadi nói. Đó vốn là 2 thứ đang thiếu trầm trọng tại những nơi ở của tầng lớp lao động.
Chính quyền thành phố xây dựng các căn hộ thuộc sở hữu của hội đồng thành phố và phân bổ thông qua hệ thống điểm (Gemeindebauten) hoặc các khu nhà ở công cộng quy mô lớn. Nổi tiếng nhất trong số này là Karl Marx-Hof, hoàn thành vào năm 1930. Công trình dài một km, có thể chứa hàng ngàn người và vẫn là một trong những công trình dân cư dài nhất thế giới.
Không chỉ mang tính thực dụng, các Gemeindebauten còn là những công trình kiến trúc hoành tráng và mang tính nghệ thuật, được thiết kế bởi một số kiến trúc sư danh tiếng nhất đất nước. Kurt Hofstetter, nhà quy hoạch phát triển đô thị của Vienna, gọi Gemeindebauten là "cung điện cho công nhân".
Hai loại nhà ở xã hội
Chiến tranh thế giới thứ hai đã tàn phá cơ sở hạ tầng và kinh tế của Vienna. Tuy nhiên, cam kết của thành phố về phát triển nhà ở xã hội vẫn vững chãi. "Từ những năm 1950 đến những năm 1970, chúng tôi đã chứng kiến hoạt động xây dựng rất cao trong khu vực công và rất nhiều căn hộ đã mọc lên", bà Schranz nói.
Ông Hofstetter cho biết sau chiến tranh, thuế liên bang đã được áp dụng. Trong đó, người Áo trả khoảng 1% thu nhập của họ cho nhà ở xã hội. Ở Vienna, hệ thống đã xuất hiện hình thành hai loại hình. Một là nhà ở xã hội của do thành phố sở hữu, vận hành và cung cấp. Loại còn lại là nhà ở do "Hiệp hội nhà ở lợi nhuận thấp" cung cấp. Các hiệp hội nhà ở này nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ - như các khoản vay lãi suất rất thấp - để đầu tư dự án và chịu sự kiểm soát về giá thuê.
Khu nhà ở xã hội Alterlaa với 3.200 căn hộ và 9.000 cư dân ở Vienna. Ảnh: Hidden Architecture
Để được tiếp cận nhà ở xã hội thì cư dân phải nằm trong mức giới hạn thu nhập nhất định. Nhưng mức giới hạn cao hơn nhiều so với các thành phố khác ở phương Tây. Vì vậy, có khoảng 75% dân số Vienna đủ tiêu chuẩn, hay nói cách khác là cả tầng lớp trung lưu cũng được tiếp cận nhà xã hội.
Tiêu chí quan trọng nhất để được duyệt là là phải chứng mình nhu cầu về nhà ở, theo bà Schranz. Ngoài ra, cư dân cần phải từng sống ở Vienna tối thiểu hai năm. Vì vậy, những người mới chuyển đến thủ đô thường thấy giá nhà ở rất đắt đỏ do không được thuê nhà ở xã hội.
Dù có các loại nhà ở xã hội khác nhau, nhưng về tổng thể, người thuê nhà phải trả ít hơn khoảng một phần ba so với thị trường cho thuê tư nhân, theo Tiến sĩ Kadi. Đặc biệt, ngay cả khi bạn bắt đầu có thu nhập cao hơn quy định tiếp cận nhà ở xã hội thì hợp đồng thuê vẫn không mất hiệu lực.
Theo chỉ số cho thuê nhà Mietspiegel cho năm 2022, giá trung bình hàng tháng cho một căn hộ 60 m2 tại Vienna là 767 euro, bao gồm cả nhà cho thuê tư nhân và xã hội. Trong đó, giá thuê nhà ở xã hội thấp hơn mức này.
Một yếu tố khiến Vienna khác biệt là không xảy ra tình trạng bán tháo hàng loạt nhà ở xã hội trong những thập kỷ gần đây.
Một góc khu đô thị Seestadt Aspern đã hoàn thiện. Ảnh: AKG
Nhà ở xã hội vẫn tiếp tục được đầu tư ở Vienna. Hiện có 3 dự án được phát triển, gồm 2 dự án trên nền của các ga đường sắt cũ ở trung tâm và dự án thứ ba - Seestadt Aspern - xây dựng trên một sân bay bỏ hoang ở ngoại ô.
Seestadt, hay thành phố bên hồ, được khởi công từ vài năm trước, đã hoàn thiện một phần và đang tiếp tục được xây dựng. Một đường tàu điện ngầm kết nối vào dự án và hơn 8.000 người đã chuyển đến ở. Hầu hết cư dân là các gia đình trẻ bị thu hút bởi giá thuê thấp và nhiều tiện ích dành cho trẻ em. Đến cuối 2022, có khoảng 1.000 đứa trẻ đã được sinh ra ở Seestadt.
Anh Kỳ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com