Các nước giàu tìm lối thoát cho kinh tế thế giới

KINHTENEWS - Lãnh đạo tài chính 7 nền kinh tế lớn họp bàn trong bối cảnh toàn cầu đối mặt khủng hoảng ngân hàng, gánh nặng nợ công và lãi suất.

Hôm nay, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7 sẽ có cuộc họp kéo dài 3 ngày tại Niigata (Nhật Bản). Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với hàng loạt rủi ro.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ quốc hội đang mắc kẹt trong cuộc chiến nâng trần nợ công. Cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008 cũng đã bắt đầu bóp nghẹt hoạt động cho vay tại đây.

Ở châu Âu, lạm phát vẫn dai dẳng. Sản xuất công nghiệp của Đức lao dốc. Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài sang năm thứ 2 và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tính chung trên toàn cầu, tình trạng thiếu hụt lao động và lạm phát đang châm ngòi cho nhiều cuộc đình công, từ tài xế tàu hỏa ở Anh đến các biên kịch tại Hollywood. Thời tiết nắng nóng đe dọa gây gián đoạn nguồn cung thực phẩm và năng lượng. Hoạt động sản xuất trên thế giới đang co lại. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn âm ỉ.

Cuộc họp của các lãnh đạo tài chính G7 sẽ diễn ra tại Niigata (Nhật Bản). Ảnh: Reuters

Trừ Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách khác cũng đang trong cuộc chiến chống lạm phát. Họ thực hiện chiến dịch tăng lãi suất mạnh tay nhất nhiều thập kỷ, khiến nền kinh tế phần nào chịu ảnh hưởng.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ám chỉ có thể dừng nâng lãi. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde tuần trước lại cảnh báo sẽ "tiếp tục theo đuổi mục tiêu", đồng nghĩa vẫn nâng lãi suất.

"Rủi ro suy thoái trong ngắn hạn đang tăng tốc. Nếu Mỹ và các nền kinh tế khác co lại trong vài tháng tới, giá cả có thể sẽ được kiềm chế mà không khiến các ngân hàng trung ương tiến thoái lưỡng nan", Bruce Kasman – kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase cho biết.

Một số vấn đề khác cũng sẽ được đề cập trong cuộc họp là củng cố hệ thống tài chính toàn cầu, giảm nợ cho các nước nghèo trong bối cảnh USD mạnh lên và gây dựng thêm các chuỗi cung ứng. Các nước G7 muốn thống nhất một tuyên bố đầy tham vọng về việc đa dạng chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc "vào các nước như Trung Quốc". Họ sẽ thực hiện việc này thông qua hợp tác với những nước có thu nhập thấp và trung bình.

Những người lạc quan chỉ ra rằng hoạt động trên toàn cầu hiện đã khá hơn dự báo hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là khủng hoảng năng lượng tại châu Âu dịu đi, Trung Quốc bất ngờ mở cửa lại nền kinh tế và các số liệu việc làm tại Mỹ làm giảm lo ngại suy thoái.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn hơn. Stan Druckenmiller – tỷ phú sáng lập Duquesne Family Office cho biết trong một hội nghị đầu tư hôm 9/5 rằng kinh tế Mỹ đang trên bờ vực suy thoái và sẽ "hạ cánh cứng".

Khi các bộ trưởng G7 nhóm họp ở Washington tháng trước, họ nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện tốt hơn dự báo. Lạm phát vẫn tăng tốc, các ngân hàng trung ương vẫn quyết tâm kiềm chế giá cả và biến động ngân hàng gần đây làm tăng rủi ro kinh tế.

Nhưng kể từ đó, cả Fed và ECB đều đã nâng lãi. Ngân hàng Trung ương Anh cũng được dự báo có động thái tương tự trong hôm nay. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo "thảm họa về kinh tế và tài chính" nếu Mỹ không nâng trần nợ công. Vụ sụp đổ của First Republic Bank cuối tháng trước cũng nối dài chuỗi khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ.

"Chúng ta chưa thể vẽ ra bức tranh rõ ràng về kinh tế toàn cầu. Lạm phát vẫn quá cao. Rủi ro thì vô số, đặc biệt là những thách thức liên quan đến biến động gần đây trong ngành ngân hàng", các nhà kinh tế học tại HSBC kết luận trong một báo cáo gần đây.

Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889