Thu nhập bình quân của lao động gần 8 triệu đồng một tháng

KINHTENEWS - Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý I năm nay là 7,9 triệu đồng, tăng gần 600.000 đồng so với cùng kỳ 2022.

Số liệu này được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội gửi Uỷ ban Kinh tế, ngày 21/4. Bộ này đánh giá tình hình lao động, việc làm ba tháng đầu năm phục hồi tích cực.

Thu nhập bình quân tháng của lao động là 7,9 triệu đồng, tăng 204.000 đồng so với cuối năm 2022 và 578.000 đồng cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này được cập nhật, tăng so với mức 7 triệu đồng được Tổng cục Thống kê đưa ra cuối tháng 3.

Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý cuối năm 2022 và 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, tỷ lệ thiếu việc làm cũng giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 1,94%.

Lần đầu tiên sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc được thí điểm, giúp người lao động bị mất việc, giảm giờ làm kết nối với doanh nghiệp.

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,3 lần so với nữ. Mức thu nhập của lao động ở thành thị cao hơn khu vực nông thôn trên 1,4 lần. Tuy vậy, cơ quan này cho biết thu nhập tăng không đều ở các ngành kinh tế.

Công nhân tại khu trọ Hưng Lợi 2, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Thanh Tùng

Tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay năm ngoái tăng thêm một chỉ tiêu không đạt so với mục tiêu Quốc hội giao và báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022. Như vậy, năm ngoái có hai trong 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội không đạt, là tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo (24,76%) và tốc độ tăng năng suất lao động (4,8%).

Nguyên nhân, cơ quan này giải thích, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư đối mặt khó khăn gia tăng từ nửa đầu Quý IV/2022. Giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh.

Ngoài ra, xuất khẩu gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, các thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp do sức cầu suy giảm. Trong khi đó, năng lực nội tại, tính tự chủ nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Những yếu tố trên đã tác động và tạo sức ép rất lớn lên tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022.

Ba tháng đầu năm nay, chế biến, chế tạo - lĩnh vực chiếm chỉ số trọng yếu trong sản xuất công nghiệp - tiếp đà giảm 2,4% (cùng kỳ tăng 7,3%). Một số ngành công nghiệp chế biến chủ lực, như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy tính giảm sản xuất 2-8%.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, quý I, có khoảng 39% doanh nghiệp lĩnh vực này giảm sản xuất đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đơn hàng dệt may, da giày, đồ gỗ giảm 15-20%; xuất khẩu thủy sản cũng sụt hơn 20% so cùng kỳ.

Anh Minh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889