Mỹ thay Nga thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho EU

KINHTENEWS - Số dầu EU nhập từ Mỹ tăng dần trong quý cuối năm 2022 và đến tháng 12 đã cao gấp 4 lần so với dầu nhập từ Nga.


Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat hôm 28/3 cho biết, trong tháng 12/2022, 18% dầu thô nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đến từ Mỹ. Trong khi đó, chỉ 4% từ Nga.

Đây là bước ngoặt lớn, khi đến gần đây, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho khối này. Tháng 1/2022, 31% tổng nhập khẩu dầu của EU là từ Nga. Mỹ khi đó chỉ đóng góp 13%.

Cơ cấu nhập khẩu dầu của EU từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2022. Biểu đồ: Eurostat

Sau đó, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã đảo lộn điều này. Các nước châu Âu giảm nhập năng lượng Nga. Khối này cũng áp trừng phạt lên dầu và than đá xuất khẩu của Nga.

Tháng 12/2022, EU cấm nhập dầu Nga bằng đường biển, đồng thời áp trần giá dầu Nga, cấm các hãng vận tải, bảo hiểm, ngân hàng cung cấp dịch vụ nếu dầu Nga không được mua dưới 60 USD một thùng.

Xuất khẩu dầu Mỹ sang châu Âu vốn đang tăng lên trước chiến sự. Vì thế, sự kiện này chỉ càng khiến nhu cầu tìm nguồn cung thay thế của EU tăng lên, Jay Maroo – nhà phân tích cấp cao tại hãng dữ liệu Vortexa giải thích.

Eurostat cho biết dầu Nga nhập khẩu vào khối này biến động trong giai đoạn tháng 2-4 năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 9, số lượng bắt đầu giảm, cho đến khi chỉ còn 4% trong tháng 12.

Đến cuối năm ngoái, "các nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho EU là Mỹ, Na Uy và Kazakhstan. Điều này cho thấy EU đã nỗ lực thích nghi với sự thay đổi trên thị trường dầu và gần như đã độc lập khỏi dầu Nga", Eurostat cho biết.

Dù vậy, Nga cũng tìm được người mua mới. Ấn Độ và Trung Quốc gần đây tích cực gom dầu Nga giá rẻ. CNN cho biết dầu Urals nước này hiện giao dịch quanh 54 USD một thùng, thấp hơn đáng kể so với dầu Brent là 78 USD.

Hôm qua, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết nước này đã thành công chuyển hướng xuất khẩu "toàn bộ" lượng dầu Nga và các sản phẩm từ dầu chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt. Dù vậy, ông dự báo sản xuất dầu và khí đốt nước này năm nay đi xuống. Trong đó, sản xuất khí đốt chịu tác động từ việc thiếu người mua châu Âu.

Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889