Kinh tế Hàn Quốc thêm sức ép sau thảm kịch giẫm đạp

KINHTENEWS - Vụ giẫm đạp trong lễ hội Halloween ở Seoul có thể khiến chi tiêu hộ gia đình yếu hơn, gây thêm áp lực lên kinh tế Hàn Quốc.

Một loạt lễ hội, buổi hòa nhạc và chương trình khuyến mại tại Hàn Quốc đã bị hoãn hoặc hủy bỏ sau vụ giẫm đạp khiến hơn 150 người chết trong dịp Halloween vừa qua ở Itaewon (Seoul). Việc này có nguy cơ làm giảm tiêu dùng - động lực tăng trưởng chính của nước này. Tiêu dùng từng giúp Hàn Quốc xoa dịu tác động của lạm phát cao và xuất khẩu giảm.

Các nhà kinh tế cho biết thảm họa thậm chí có thể khiến Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cân nhắc nâng lãi suất với mức thấp hơn trong cuộc họp cuối tháng này. "Nó có thể tác động đến nền kinh tế lớn hơn so với vụ chìm phà Sewol, vì xảy ra ngay tại một quận sầm uất ở Seoul", Ho Woei Chen, Chuyên gia kinh tế tại United Overseas Bank, đánh giá.

Vị chuyên gia từng dự báo sẽ có một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) tại cuộc họp ngày 24/11. Nhưng sau thảm họa giẫm đạp, bà cho rằng tăng 25 điểm cơ bản "khả thi hơn".

Một người đến tưởng nhớ các nạn nhân vụ giẫm đạp ở gần hiện trường tại Seoul ngày 31/10. Ảnh: AP

Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin phòng vé nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc, doanh số bán vé đã giảm hơn 30% vào thứ bảy ngày 5/11 so với một tuần trước đó. Doanh thu của rạp chiếu phim cũng giảm 20%, xuống mức thấp nhất trong nửa năm, theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc.

Năm 2014, tiêu dùng tư nhân giảm trong quý xảy ra vụ chìm phà Sewol. Thảm họa khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó có 250 học sinh trung học. Niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và không phục hồi trong thời gian dài.

Tháng 8/2014, với lý do ảnh hưởng từ vụ chìm phà Sewol, BOK đã hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn một năm. Tháng 10 năm đó, họ tiếp tục giảm lãi vì tâm lý tiêu dùng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Bộ trưởng Lao động Lee Jung-sik gần đây cho biết vụ giẫm đạp là tin không tích cực đối với nền kinh tế, đúng thời điểm họ đối mặt với tỷ giá tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng cao và Covid bùng phát vào mùa đông.

BOK đang ở giữa chu kỳ thắt chặt và dự định tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát, cũng như bắt kịp với các đợt tăng mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, sau khi tăng 50 điểm cơ bản tháng trước, Thống đốc BOK Rhee Chang-yong cho biết một số thành viên hội đồng điều hành lo ngại suy giảm kinh tế và đã bỏ phiếu tăng lãi ở mức nhỏ hơn.

Kinh tế Hàn Quốc đã giảm tốc trong quý trước, với thâm hụt thương mại tăng và đồng won suy yếu xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. "Tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tôi cho rằng BOK sẽ tăng lãi suất nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến", Sung Won Sohn, Chủ tịch SS Economics kiêm giáo sư tại Đại học Loyola Marymount, dự báo.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế không đưa ra ước tính cụ thể về mức độ ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng hoặc tiêu dùng cá nhân. Họ cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của vụ giẫm đạp.

Một nhà kinh tế cho rằng các sự kiện công cộng sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối năm, trong kỳ nghỉ lễ, giúp giảm tác động đến nền kinh tế. Trên thực tế, tiêu dùng có thể chịu sức ép do gánh nặng tài chính tăng lên. Sung Eun Jung, nhà kinh tế tại Oxford Economics, cũng dự báo BOK sẽ tăng 25 điểm cơ bản khi lạm phát và tỷ giá tăng đang ảnh hưởng đến sức chi tiêu của các hộ gia đình.

Phiên An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889