Những lưu ý doanh nghiệp cần tìm hiểu khi vay vốn

KINHTENEWS - Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các hình thức vay, lãi suất, hạn mức vay, quy trình tín dụng để lựa chọn ngân hàng và gói vay phù hợp.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang trên lộ trình phục hồi sau hai năm bị tổn thương. Mặc dù môi trường toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở. GDP dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, khi các hoạt động kinh tế tiếp tục quay lại trạng thái bình thường.

Trong bối cảnh vĩ mô có nhiều nét tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng tiến triển tốt hơn, tăng mạnh cả về quy mô và chất lượng tài sản. Nhiều doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt và có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, khiến nhu cầu vốn tăng cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nên chọn nguồn vốn vay chính thức, tránh vay "tín dụng đen" với lãi suất cao và nhiều rủi ro, cân nhắc gói vay phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Dưới đây là những lưu ý khi doanh nghiệp vay ngân hàng để bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh:

Hình thức vay

Các ngân hàng thương mại áp dụng hai hình thức vay vốn chính: vay có tài sản bảo đảm (thế chấp) và vay không có tài sản bảo đảm (tín chấp). Khách hàng trước khi quyết định ký hợp đồng vay cần cân nhắc lựa chọn hình thức vay phù hợp theo mục đích sử dụng vốn, khả năng tài chính và điều kiện tài sản thế chấp.

Vay thế chấp là hình thức cho vay truyền thống và quen thuộc với doanh nghiệp, có các đặc điểm nổi bật như có thể vay trong thời gian dài, lãi suất thấp và lãi trả theo dư nợ giảm dần, số tiền vay phụ thuộc vào giá trị tài sản bảo đảm. Song, quá trình xem xét thường thận trọng và mất nhiều thời gian.

Vay tín chấp phù hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu cải thiện dòng tiền trong ngắn hạn.

Còn vay tín chấp hoàn toàn dựa trên uy tín và năng lực tài chính của doanh nghiệp để thực hiện yêu cầu vay. So với vay thế chấp, lãi suất vay tín chấp cao hơn. Tuy nhiên, sản phẩm tài chính này có tính linh hoạt chi trả, tốc độ giải ngân vốn nhanh, đáp ứng nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn. Điều này thường hấp dẫn đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người cần cải thiện dòng tiền trong ngắn hạn.

Đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, do quy mô vốn thấp, thiếu hoặc không có tài sản bảo đảm, thì hình thức vay tín chấp sẽ là điểm tựa lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Anh Vũ Trọng Mạnh, điều hành công ty xuất khẩu nông sản cho biết, với các khoản vay tín chấp, tình trạng khan hàng không còn là mối đe dọa đối với doanh nghiệp.

"Do đặc thù hàng hóa theo mùa vụ, doanh nghiệp chúng tôi phải tích trữ hàng nên thường xuyên cần bổ sung vốn trong ngắn hạn. Vì vậy, vay tín chấp là lựa chọn ưu tiên của chúng tôi", anh Mạnh chia sẻ.

Bên cạnh hình thức vay thế chấp, nhiều ngân hàng cung cấp nhiều gói vay tín chấp phù hợp với các doanh nghiệp. Có thể kể đến như Chương trình tài trợ vốn không tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp của MSB. Theo đó, doanh nghiệp có thể vay tín chấp siêu tốc bổ sung vốn lưu động tới 15 tỷ đồng, hoàn toàn trực tuyến.

Lãi suất vay

Doanh nghiệp rất quan tâm đến lãi suất, từ đó đưa ra kế hoạch trả nợ gốc và lãi phù hợp. Mỗi gói vay, hình thức trả lãi (trả cuối kỳ hoặc trả đều hàng tháng) sẽ có mức lãi suất khác nhau và mỗi ngân hàng cũng có cách tính lãi khác nhau. Ngoài ra, lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe tài chính, uy tín doanh nghiệp, đánh giá dự án theo quy định của từng ngân hàng và mặt bằng chung của thị trường. Cách tính lãi suất được ghi cụ thể trong hợp đồng vay.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay thế chấp đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp thường dao động từ 6,8%-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt là những doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch, vay tiền đầu tư kinh doanh.

Với hình thức vay tín chấp, lãi suất thường cao hơn. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay theo hình thức tín chấp thường cố định trong khoảng thời gian vay vốn dựa trên dư nợ giảm dần. Đây được cho là điều kiện có lợi dành cho người đi vay. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với mức lãi suất cạnh tranh. Như MSB giảm 0,5% lãi suất khi doanh nghiệp đăng ký và nộp hồ sơ vay tín chấp online.

Hiện nay, khách hàng doanh nghiệp vay vốn có thể ước tính lãi dự kiến qua các công cụ tính toán tự động trên ứng dụng và trang web của ngân hàng. Dựa vào đó, doanh nghiệp có cơ sở so sánh các phương án vay khác nhau và chọn ra gói vay phù hợp, lên kế hoạch trả gốc và lãi.

Hạn mức tín dụng

Hạn mức tín dụng sẽ được ngân hàng quy định dựa vào các yếu tố chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp thể hiện qua báo cáo tài chính/thuế, lịch sử tín dụng, hình thức và mục đích sử dụng vốn vay.

Thông thường, số tiền các ngân hàng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hình thức tín chấp phổ biến ở mức từ 2 - 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã mở rộng cửa hơn cho các doanh nghiệp khi nâng hạn mức cho vay tín chấp cao hơn nếu doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tốt và phương án sử dụng vốn khả thi.

Khách hàng có thể biết được khả năng được Ngân hàng cấp vốn, tự uớc tính tổng hạn mức được cấp dựa trên doanh thu và ngành nghề kinh doanh trên website sản phẩm tài chính của ngân hàng. Giá trị hạn mức được cấp chính xác sẽ được ngân hàng thông báo sau khi doanh nghiệp cung cấp đủ hồ sơ và được thẩm định khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng cho vay.

Ví dụ, trong vòng 30 giây, doanh nghiệp có thể dự đoán nhanh được khả năng vay vốn của mình và biết được tổng hạn mức tín dụng dự kiến được cấp với 3-5 thông tin cơ bản qua website của ngân hàng.

Quy trình vay vốn

Một hành trình tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp bao gồm: Đăng ký vay, cung cấp hồ sơ, ngân hàng phê duyệt, ký kết và giải ngân.

Nhiều khách hàng doanh nghiệp lo ngại quy trình tín dụng phức tạp, trong đó khâu khó khăn nhất nằm ở cung cấp hồ sơ. Tuy nhiên, với các gói vay tín chấp, quy trình thực hiện đã được rút gọn hơn. Một số ngân hàng đã triển khai chuyển đổi số, liên tục cải tiến để nâng cao trải nghiệm khách hàng, rút gọn quy trình và thủ tục hơn. Chẳng hạn, khách hàng doanh nghiệp vay vốn tại MSB chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản, sau đó đăng ký khoản vay và cung cấp hồ sơ trực tuyến qua trang web của MSB. Quá trình thẩm định hồ sơ và đưa ra phê duyệt chính thức tối đa 3 ngày làm việc.

Theo đại diện MSB, khi nộp hồ sơ vay tín chấp doanh nghiệp, điều quan trọng là hồ sơ vay vốn minh bạch, rõ ràng, đầy đủ và phương án vay vốn phải hợp lý. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ thì cần chứng minh cho ngân hàng thấy khả năng phát triển, tăng trưởng doanh thu khi được cấp vốn. Sau khi hồ sơ được phê duyệt, khách hàng được giải ngân vốn vay online 100% siêu tốc không cần đến quầy.

Quy trình vay vốn rút gọn sẽ giúp khách hàng nhanh chóng tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh: BFI

Ông Mạnh Linh, giám đốc một công ty sản xuất đồ nhựa gia dụng ở Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, giai đoạn cuối năm là một trong những thời điểm nhận nhiều đơn hàng nhất trong năm. Vì vậy, nhu cầu bổ sung vốn lưu động đối với công ty là rất lớn.

"Sau khi tìm hiểu kỹ càng về sản phẩm tín chấp của MSB, chúng tôi đã đăng ký vay vốn và được phê duyệt hồ sơ trong vòng 2 ngày. Thủ tục hồ sơ rất đơn giản, lãi suất tốt. Nhờ đó, chúng tôi đã tích trữ được lượng nguyên vật liệu lớn để sản xuất kịp các đơn hàng, đồng thời chuẩn bị cho những đợt biến động giá sắp tới", ông Mạnh Linh chia sẻ.

Các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh có thể tìm hiểu thêm các thông tin tại Hội thảo "Nắm bắt cơ hội trong biến động: Chiến lược dành riêng cho doanh nghiệp SMEs", diễn ra vào ngày 20/9. Tham gia Hội thảo, các doanh nghiệp sẽ được trao đổi trực tiếp cùng các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp thành công về chiến lược kinh doanh, cách tiếp cận vốn nhanh chóng và hiệu quả. 

Hoàng Phương
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889