Nỗi sợ lạm phát kèm tăng trưởng chậm lan khắp thế giới

KINHTENEWS - Kinh tế Trung Quốc và châu Âu có dấu hiệu chững lại, còn Mỹ ngày càng tiến gần suy thoái trong bối cảnh lạm phát dâng cao trên toàn cầu.

Thị trường chứng khoán châu Á hôm 19/5 chìm trong sắc đỏ, khi lạm phát toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty, gây ra lo ngại về khả năng lạm phát kèm tăng trưởng chậm (stagflation). Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 500 điểm, tương đương 1,9%. Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hong Kong lần lượt giảm 1,3% và 3,5%.

Diễn biến này tiếp nối sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ hôm 18/5, sau khi các hãng bán lẻ công bố kết quả kinh doanh ảm đạm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.164 điểm, tương đương 3,6%. Nasdaq cũng giảm hơn 4%. Cổ phiếu đại gia bán lẻ Target giảm đến 25% - mạnh nhất kể từ năm 1987.

"Chứng khoán châu Á đang đi theo sự sụt giảm của các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ như Target và Walmart. Đây là những ví dụ về tác động của lạm phát đầu vào và biên lợi nhuận thu hẹp", Justin Tang - Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners - đánh giá.

Tại Đông Nam Á, chỉ số SET của Thái Lan và Straits Times của Singapore cũng giảm trong phiên sáng nhưng hồi phục phiên chiều. Chỉ số giá tiêu dùng cũng đang tăng ở các nền kinh tế châu Á, ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trong tương lai.

Tang cho biết xu hướng lạm phát ảnh hưởng đến lợi nhuận các nhà bán lẻ sẽ lan rộng ở châu Á, "do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi sau các tác động liên quan đến Covid và chiến sự ở Ukraine".

Bảng thông tin chỉ số Nikkei 225 hôm 19/5 có thời điểm giảm đến hơn 700 điểm. Ảnh: Nikkei

Hôm 18/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng hỗn loạn của kinh tế toàn cầu. "Triển vọng kinh tế toàn cầu đang có nhiều thách thức và bất ổn. Giá lương thực và năng lượng tăng đang gây ra lạm phát kèm tăng trưởng chậm, cụ thể là làm giảm sản lượng, chi tiêu và tăng lạm phát trên toàn thế giới", bà Yellen nói tại Bonn (Đức), trước cuộc họp của các lãnh đạo G7.

Bà chỉ ra rằng lạm phát, đặc biệt là với chi phí lương thực và năng lượng, đang trở thành mối quan tâm lâu dài và sẽ là chủ đề nổi trội của các lãnh đạo toàn cầu trong thời gian tới. Một ngày trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo việc Mỹ tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát sẽ gây ra một số khó khăn.

CEO Wells Fargo & Co Charlie Scharf thậm chí cho rằng việc Mỹ tiến tới suy thoái là "không còn nghi ngờ gì nữa". "Chúng ta sẽ khó tránh khỏi một số dạng suy thoái kinh tế", ông nói hôm 17/5.

Đầu tuần này, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke cũng đề cập đến khả năng lạm phát kèm tăng trưởng chậm. Theo ông, ngay cả trong kịch bản lạc quan, nền kinh tế cũng sẽ giảm tốc. "Lạm phát vẫn đang rất cao nhưng sẽ giảm xuống. Vì vậy, trong một hoặc hai năm tới, tăng trưởng sẽ thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên một chút và lạm phát vẫn ở mức cao", ông dự báo.

Lo ngại lạm phát tăng tốc những ngày gần đây do những áp lực mới có thể tiếp tục kéo giá dầu và thực phẩm lên. Liên minh châu Âu tuần này đã đưa ra kế hoạch nhằm chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong vòng 5 năm.

Giá lương thực tăng - liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine, một nước sản xuất nông nghiệp lớn - đang gây ra tình trạng thiếu hụt ở nhiều nước đang phát triển. Chính phủ Anh hôm 19/5 cho biết lạm phát tháng 4 của nước này đạt mức cao nhất trong 40 năm là 9%. Con số này thậm chí cao hơn Mỹ, với 8,3%.

Trong khi đó, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay do Trung Quốc và châu Âu có dấu hiệu chững lại. Đầu tuần này, Trung Quốc công bố chi tiêu và sản lượng tiêu dùng giảm mạnh trong tháng 4 do các biện pháp phong tỏa.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,6% trong năm nay, giảm từ 6,1% năm ngoái. Dự báo này cũng thấp hơn 0,8% so với mức đưa ra vào tháng 1. Ngân hàng Trung ương Anh đầu tháng này cũng cảnh báo rằng đất nước có khả năng bước vào một cuộc suy thoái.

Nguyên nhân lớn khiến triển vọng toàn cầu ảm đạm là tín hiệu từ Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về khả năng mạnh tay giải quyết lạm phát. Fed tháng trước đã tăng lãi suất thêm 0,5% - lớn nhất kể từ năm 2000 - và đang lên kế hoạch tăng thêm trong năm nay.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất vào tháng 7. Nếu được thực thi, đây sẽ là lần đầu ECB nâng lãi suất trong hơn một thập kỷ. Lãi suất cao hơn có nghĩa là chi phí đi vay - mua nhà, ôtô, mở rộng kinh doanh và các hạng mục khác - sẽ tăng lên. Việc này có thể buộc người tiêu dùng và các công ty phải cắt giảm chi tiêu, đầu tư, khiến kinh tế chậm lại.

Theo các nhà kinh tế, ngay cả khi toàn cầu tránh được suy thoái, nhiều người có thể vẫn cảm thấy như đang ở trong tình trạng này. Khi chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn lương, đồng tiền kiếm được của người tiêu dùng ngày càng mất giá.

Người Mỹ đã tích lũy được khoản tiết kiệm kha khá trong đại dịch, vì nhiều khoản chi tiêu giảm và còn được chính phủ phát tiền. Điều đó hiện bị đảo ngược. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất 9 năm. Các hộ gia đình ngày càng tìm đến thẻ tín dụng và tiền tiết kiệm để chi tiêu. Nợ của người Mỹ tăng nhanh chóng sau thời gian đình trệ vì đại dịch. Khi lãi suất tăng, các khoản thanh toán hàng tháng cho khoản nợ đó sẽ tiếp tục ăn mòn túi tiền của họ.

Hiện tại, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Mỹ đã vững chắc. Ngày càng nhiều người kiếm được việc làm và quay lại các thói quen cũ như đi du lịch, ăn ngoài và xem hòa nhạc. Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ đã tăng liên tiếp suốt 4 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái đã tăng lên trong những tuần gần đây. Một số vấn đề khác cũng nảy sinh. Ví dụ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do phong tỏa ở Trung Quốc và cuộc chiến tại Ukraine. Những nguyên nhân này nằm ngoài khả năng giải quyết của các ngân hàng trung ương.

Diane Swonk - kinh tế trưởng của công ty tư vấn Grant Thornton, cho biết rủi ro nằm ở chỗ nếu lạm phát kéo dài, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu. Doanh nghiệp cũng sẽ giảm tuyển dụng để duy trì tỷ suất lợi nhuận.

Lạm phát sẽ ăn mòn mức sống, nhất là lạm phát với ba nhu cầu cơ bản gồm thực phẩm, chỗ ở, và năng lượng như hiện nay. "Loại lạm phát đó là mối đe dọa rất lớn đối với nền kinh tế", Swonk đánh giá. Vì thế, nó đang trở thành một ám ảnh mới của thế giới, bên cạnh đại dịch và xung đột địa chính trị ở châu Âu.

Phiên An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889