KINHTENEWS - Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính VN-Index rơi thẳng đứng vẫn là "call margin" nhưng mức độ có thể nghiêm trọng hơn trước khi đối tượng bị ảnh hưởng là "cá mập".
Tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư dẫn tới đà bán tháo diện rộng. VN-Index có thời điểm mất gần 80 điểm, mức giảm tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay, trước khi đóng cửa thấp hơn 68 điểm (4,95%).
Đồ thị VN-Index từ đầu năm 2022. Ảnh: Trading View
"Quá kinh khủng", ông Võ Công Minh - Giám đốc kinh doanh Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán ACB, nói trong lúc nhìn đồ thị VN-Index rơi thẳng đứng.
Theo ông Minh, nguyên nhân chính khiến VN-Index có lúc mất 80 điểm là các công ty chứng khoán call margin lúc chỉ số vừa đảo chiều từ tăng thành giảm, dẫn đến những nhà đầu tư tâm lý không vững vàng bán ra và tích tụ dần thành một làn sóng bán tháo ngay buổi chiều.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho rằng lý do thị trường giảm sâu hôm nay vẫn là "call margin", nhưng mức độ có thể nghiêm trọng hơn giai đoạn trước.
Chuyên gia này phân tích, đà giảm bắt nguồn từ áp lực bán tháo của nhóm bluechip, điều này có thể do nhóm đầu cơ đã giảm quá sâu khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách hạ tỷ trọng ở những nhóm cổ phiếu giữ giá gần đây.
Sắc đỏ áp đảo toàn thị trường với nhóm bluechip dẫn đầu. Toàn bộ 30 mã vốn hóa lớn trong VN30 chốt phiên dưới tham chiếu, quá nửa giảm kịch sàn. Ảnh chụp màn hình VNDS
Tuy nhiên, khi áp lực bán tháo quá lớn, giá giảm quá nhanh, những nhà đầu tư ở gần vùng nguy hiểm về tỷ lệ an toàn đã lập tức bị ảnh hưởng.
"Nếu trong phiên sáng, áp lực bán do "call margin" vẫn chủ yếu do nhà đầu tư chủ động tự thực hiện thì sang phiên chiều, áp lực này chuyển thành "force-sell", từ các công ty chứng khoán", ông Minh cho biết.
"Call margin" chỉ một biện pháp quản lý rủi ro của công ty chứng khoán, khi giá cổ phiếu được mua bằng tiền vay margin của nhà đầu giảm và chạm ngưỡng an toàn của tỷ lệ ký quỹ duy trì. Khi đó, công ty chứng khoán sẽ gọi điện hoặc gửi email yêu cầu bổ sung tiền hoặc bán cổ phiếu. Trong khi đó, "Force-sell" là trạng thái tài khoản của nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu nên bị bán giải chấp bắt buộc để đưa tỷ lệ này về trạng thái an toàn.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của phiên hôm nay không chỉ dừng ở cách thức xử lý. Áp lực bán ra những phiên gần đây khiến giá nhiều cổ phiếu giảm rất sâu. Theo ông Minh, có tín hiệu cho thấy áp lực "call margin" đã xuất hiện ở nhóm nhà đầu tư cá nhân quy mô tài khoản lớn, hay còn gọi là "cá mập".
Một số cổ phiếu có diễn biến "lạ" khi bật ngược từ trạng thái "trắng bảng bên mua" lên mức giá xanh chỉ trong vài phút phiên ATC. Theo ông, có thể là cách để chống call margin với những nhà đầu tư này. "Nếu điều này là đúng, có thể nhiều 'cá mập' đã gần chạm ngưỡng tỷ lệ ký quỹ duy trì", vị này dự đoán.
Những nhà đầu tư này có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng dưới áp lực của thị trường, không loại trừ khả năng cũng bị "call margin" như những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Điều này là rủi ro lớn khi lực đỡ của thị trường vẫn tương đối yếu dù đã giảm sâu. Trong những phiên lao dốc gần đây, thanh khoản không tăng, thậm chí có phiên còn ở mức thấp. Con số này cho thấy dòng tiền vẫn rất thận trọng, thậm chí kỳ vọng mức giá còn giảm thêm.
"Nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục xấu, áp lực sẽ là rất lớn khi tỷ lệ ký quỹ duy trì của nhiều 'cá mập' chạm ngưỡng rủi ro", ông Minh nói, nhưng lưu ý đây chỉ là kịch bản xấu nhất. Ông kỳ vọng thị trường sẽ trụ được ngưỡng 1.300 điểm và có nhịp hồi kỹ thuật trong những phiên tới.
Sàn giao dịch chứng khoán trên đường Pasteur, quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Riêng với nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia này khuyến nghị việc quan trọng lúc này không phải là "bán tháo" bằng mọi giá mà là giữ tài khoản ở mức độ an toàn. Nhà đầu tư nên hạ tỷ lệ margin về mức thấp, tránh tình trạng force-sell xảy ra. Việc bán trong bối cảnh thị trường đã giảm rất sâu như hiện nay mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích.
Trong bản tin cuối phiên hôm nay, Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, nếu xét trên khía cạnh định giá, P/E của VN-Index sau phiên hôm nay là khoảng 15,5 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của nhóm VN30 chỉ có 14,8 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm.
"Với mức định giá như trên, chúng tôi cho rằng khả năng thị trường giảm mạnh là khó có thể xảy ra và trong phiên giao dịch 26/4, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm được giữ vững", báo cáo của SHS cho biết.
Khác với SHS, nhiều công ty chứng khoán khác đưa ra kịch bản kém tích cực hơn. Công ty chứng khoán KB Việt Nam đánh giá sau khi đánh mất vùng hỗ trợ gần, việc VN-Index giảm sâu với thanh khoản tăng trở lại trong các nhịp sụt giảm phá đáy cho thấy áp lực của bên bán đang chiếm ưu thế. Theo đó, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong những phiên tới trước khi xác lập một vùng giá cân bằng hơn.
Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) thì khuyến nghị nhà đầu tư không nên bắt đáy và hạn chế giao dịch với các nhà đầu tư ngắn hạn. Mức độ rủi ro của thị trường ngày một lớn hơn với mức sát thương cao. Các ngưỡng hỗ trợ tiếp tục tỏ ra kém hiệu quả trong một thị trường với áp lực tâm lý hoảng loạn và dễ bị hiệu ứng theo đám đông.
Mặc dù vậy, TVSI vẫn ủng hộ quan điểm chọn lọc mua vào gia tăng trạng thái cổ phiếu với các nhà đầu tư theo mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.
Minh Sơn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com