Tiền số có thể đe dọa ổn định tài chính toàn cầu như thế nào?

KINHTENEWS - Tiền số đang ngày càng tăng trưởng nhanh, liên quan mật thiết với tài chính truyền thống, nhưng lại chịu ít quy định quản lý.

Bitcoin, Ether và các tiền số khác giờ không còn được coi là thị trường ngách của nền tài chính toàn cầu nữa. Trong một báo cáo cuối tuần trước, Financial Stability Board (FSB) - một cơ quan quốc tế gồm giới chức 24 nền kinh tế lớn cho biết "sự phát triển nhanh chóng" của thị trường tiền số có thể nhanh chóng đạt đến điểm mà nó trở thành "mối đe dọa với ổn định tài chính toàn cầu".

Nguyên nhân là quy mô, các khiếm khuyết cấu trúc và mối liên quan của tiền số ngày càng tăng với hệ thống tài chính truyền thống. "Rủi ro ổn định tài chính có thể nhanh chóng tăng lên", nhóm này đánh giá, khẳng định các nhà hoạch định chính sách cần vào cuộc.


Đánh giá của FSB được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng và công ty lớn tăng cường tham gia thị trường tiền số do đòi hỏi từ khách hàng, bất chấp biến động.

Ngày 17/2, giá Bit coin giảm gần 8% khi cả thị trường tiền số bị bán tháo. Hôm đó, Sequoia Capital cũng đang tăng tốc mảng tiền số với một quỹ mới có quy mô 500 – 600 triệu USD. Đại gia quỹ đầu tư mạo hiểm này cho biết "sẽ chỉ tập trung vào các token thanh khoản cao và các tài sản số".

"Các ngân hàng có tầm quan trọng về hệ thống và các tổ chức tài chính khác đang ngày càng sẵn sàng hoạt động trong lĩnh vực tiền số và tăng hiện trong ngành này", FSB cho biết, "Nếu quỹ đạo tăng trưởng hiện tại và sự tương quan giữa tài sản số và các tổ chức này tiếp tục kéo dài, việc này sẽ có tác động đến ổn định tài chính toàn cầu".

Năm ngoái, vốn hóa thị trường tiền số từng tăng gấp 3, lên 2.600 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn tương đối nhỏ. Thị trường chứng khoán toàn cầu hiện có tổng quy mô hơn 120.000 tỷ USD.

Vậy tại sao FSB lại lên tiếng cảnh báo? Nhóm này giải thích rằng khi những người chơi lớn tham gia thị trường, biến động lớn trên thị trường tiền số có thể châm ngòi cho hàng loạt sự kiện bất ngờ. FSB so sánh việc này với diễn biến trên thị trường nhà đất Mỹ năm 2008, châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.

"Như trong trường hợp cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn tại Mỹ. Tham gia ở mức độ thấp không có nghĩa rủi ro thấp, đặc biệt khi sự minh bạch và hệ thống quy định không đủ", FSB cho biết.

Dù có khởi đầu chậm chạp, các chính phủ sắp tới có thể mạnh tay hơn. Yahoo News tuần trước đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể ban hành sắc lệnh trong tuần này, về việc hướng dẫn các cơ quan chính phủ nghiên cứu và phát triển chiến lược quản lý tài sản số. Đầu tháng này, Quốc hội Mỹ cũng điều trần về quy định với stablecoin (các loại tài sản số có giá trị được neo vào tiền tệ hoặc hàng hóa).

Tuy nhiên, UBS không cho rằng nhà đầu tư nên chờ hướng dẫn của giới chức. "Giới chức có thể phải mất một thời gian dài mới được Quốc hội phê chuẩn các chính sách. Trong thời gian đó, họ sẽ phải giải quyết các vấn đề trong quyền hạn hết sức hạn chế hiện tại", báo cáo tuần trước của UBS cho biết.

Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889