KINHTENEWS - Jacqueline Rodriguez không mua quả tươi ở siêu thị nữa, còn Jorge Nuñez bán xe để đi bộ đến nơi làm, và ăn nhiều rau thay vì thịt.
Sau 15 năm, Jacqueline Rodriguez gần như đã tiết kiệm đủ tiền để trả trước mua một căn nhà. Sau đó, đại dịch ập đến. Cô bị sa thải, phải dùng tiền tiết kiệm để chi trả cho mọi thứ đang ngày càng đắt đỏ, kể cả giáo trình cho cậu con trai 18 tuổi.
Nếu Rodriguez mua được nhà và chỉ phải trả góp hàng tháng, cô sẽ tránh được đợt lạm phát cao nhất trong cuộc đời mình. Nhưng giờ đây, chủ nhà đã nâng tiền thuê hàng tháng của cô từ 1.200 USD lên 1.500 USD. Sau khi vét hết tiền tiết kiệm, Rodriguez thậm chí phải gom 50 USD để đổ xăng cho ôtô và lái đến Sân bay Quốc tế Miami – nơi cô được trả 13,8 USD mỗi giờ cho công việc thu ngân tại cửa hàng của Wendy’s.
Jacqueline Rodriguez bên ngoài căn nhà thuê ở Miami. Ảnh: Washington Post
Những lao động thu nhập thấp như Rodriguez đang trải qua đợt tăng lương với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, chúng chẳng thấm tháp gì so với lạm phát hiện cũng cao nhất 40 năm. Lương của cô vì thế cũng chẳng mua được nhiều. Với 3 đứa con, Rodriguez tốn 200 USD mỗi tuần để gửi trẻ và 200 USD một tháng tiền nước. Đến giấy lau cũng tăng giá từ 14 USD lên 18 USD.
"Mọi thứ tăng giá một cách khủng khiếp", cô nói, "Tôi đến siêu thị để mua gà, sau đó phải quyết định xem làm món gì dựa trên giá cả. Tôi sẽ không mua thứ gì tốn kém nữa. Mọi thứ giờ đều đắt đỏ quá", cô nói.
Lạm phát đang bóp nghẹt các gia đình thu nhập thấp vốn đã có ngân sách hạn hẹp. Gần như mọi chi phí của họ đổ cho nhu yếu phẩm – thức ăn, năng lượng, nhà ở.
Rodriguez cho biết cô cân nhắc từng đồng chi tiêu. Giờ cô không mua đồ chơi cho các con nữa. Hoa quả tươi ở siêu thị cũng vậy. Nhưng Rodriguez may mắn vì còn được công đoàn hỗ trợ thực phẩm.
"Với người thu nhập thấp, sự thay đổi nhỏ về thu nhập khả dụng cũng khiến họ khó khăn", Xavier Jaravel – Giáo sư tại Trường Kinh tế London cho biết, "Lạm phát làm giảm sức mua. Nếu bạn có thu nhập cao, điều đó cũng đồng nghĩa bạn tiết kiệm được nhiều, nên sức mua giảm chút cũng không phải vấn đề lớn".
Lạm phát tăng nhanh là ví dụ mới nhất cho thấy suy thoái vì đại dịch đang làm tăng bất bình đẳng toàn cầu như thế nào. Trong khủng hoảng, hậu quả kinh tế đè nặng nhất lên các lao động thu nhập thấp và trong lĩnh vực dịch vụ. Hiện tại, lạm phát khiến ranh giới càng rộng, bất chấp tăng trưởng kinh tế mạnh và thị trường việc làm phục hồi ấn tượng.
Năm 2020, khi nền kinh tế chững lại vì các lệnh phong tỏa trong đại dịch và 20 triệu người bị sa thải chỉ trong vài tuần, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ngay lập tức hành động bằng cách hạ lãi suất và bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, những động thái này cũng gây ra tác dụng phụ. Cuối năm 2021, lạm phát tăng tốc. Giá tài sản tăng giúp người giàu Mỹ càng giàu hơn trong đại dịch.
Trong một cuộc họp báo tháng trước, khi được hỏi liệu Fed có nhận thấy lạm phát đang ảnh hưởng những người dễ bị tổn thương hay không, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận "lạm phát đang khiến nhóm người này phải ra những quyết định rất khó khăn. Với những người có thu nhập cao, lạm phát cũng không phải là điều tốt. Nhưng họ vẫn có thể ăn uống, lái xe và có nhà ở".
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà kinh tế học kết luận cho đến nửa cuối năm 2021, các hộ gia đình kiếm được ít hơn 30.000 USD một năm thường đối mặt với lạm phát cao hơn những gia đình kiếm được 100.000 USD một năm. Nhóm nhà nghiên cứu đến từ Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, Đại học California tại Berkeley và Đại học Texas đã phân tích giá mà 43.000 hộ gia đình chi trả cho thức ăn, đồ uống và các vật dụng gia đình khác, dựa theo số liệu của Nielsen Homescan.
Tại Los Angeles, Jorge Nuñez nhận thấy chi tiêu khác biệt rõ rệt khi còn làm việc tại Chateau Marmont - nơi có giá phòng lên tới hàng trăm đôla mỗi đêm. Nuñez phải gửi tiền về cho gia đình tại Honduras và vài nơi khác ở Mỹ. Vì thế, anh luôn làm cùng lúc nhiều việc như nhân viên nhà kho hay dọn bàn ăn để đủ sống.
Jorge Nuñez phải làm cùng lúc nhiều việc để đủ sống. Ảnh: Washington Post
Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, Nuñez đang kiếm được 18 USD mỗi giờ thì bị cho nghỉ việc. Anh phải dùng đến tiền tiết kiệm về hưu và đi vay thêm 30.000 USD để thanh toán các chi phí. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ cho cả nhà vì giá cả liên tục tăng. Vì thế, anh cũng liên tục giảm chi. Anh chuyển sang gói cước rẻ hơn, bán chiếc xe cũ của gia đình và đi bộ đến nơi làm việc.
Những gia đình thu nhập thấp dành khoảng 11% ngân sách cho thực phẩm. Trong khi đó, các gia đình thu nhập cao chỉ tốn 7%, theo Cục Thống kê lao động Mỹ. Việc giá cả tăng đã khiến nhiều gia đình như Nuñez chật vật.
Vợ anh từng làm bò bít tết và hải sản cho cả nhà. Nhưng giờ đây, họ "không còn đủ khả năng chi trả cho những món đó nữa". Giờ họ ăn nhiều rau hơn và đi mua sắm ở những cửa hàng giá rẻ hơn. "Chúng tôi không phải đang tận hưởng cuộc sống, mà là đang trong chế độ sinh tồn", Nuñez nói.
Khi giá tăng cao, những gia đình trung lưu chuyển từ các siêu thị giá cao xuống giá rẻ. Nhưng các gia đình thu nhập thấp phải chấp nhận mức giá cao hơn, vì họ không còn lựa chọn nào rẻ hơn nữa.
Trên Washington Post, nhiều lao động nói rằng các khoản tiền của chính phủ, trợ cấp thất nghiệp đã giúp họ chống chịu khi mất việc năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, bộ đệm này giờ đã biến mất.
Trong đại dịch, người giàu đầu tư phần thu nhập tăng thêm và tiền tiết kiệm. Trong khi đó, người Mỹ có thu nhập thấp chỉ đổ 1,5% tiền vào tài khoản lương hưu, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 16% của người thu nhập cao.
Gary Boykins sống ở thủ đô Washington. Anh luôn tự hào mình là người biết tiết kiệm. Anh để dành được 19 USD mỗi giờ khi làm trợ lý điều dưỡng. Anh cũng tiết kiệm 11,95 USD mỗi giờ nhờ công việc bán lẻ tại Bắc Virginia.
Tuy nhiên, đại dịch đã khiến cuộc sống của anh gặp khó. Căn hộ studio anh thuê cùng cha mẹ đã tăng giá từ 1.000 USD lên 1.150 USD một tháng. Boykins vì thế nghĩ cách tiết kiệm tiền ăn trong ca làm 12,5 giờ của mình ở cơ sở điều dưỡng. Nhân viên ở đây thỉnh thoảng được hỗ trợ bữa sáng hoặc trưa. Tuy nhiên, gần đây, nhà bếp thường thiếu nhân viên do mắc Covid-19. Những ngày bếp chẳng có ai nấu ăn, anh đành chi tiền túi để mua đồ ăn bên ngoài.
2 năm sống trong đại dịch, Boykins vẫn chật vật với thu nhập hiện tại. Anh được nghỉ thứ sáu hàng tuần. Nhưng giờ, Boykins chẳng còn ngày nghỉ nào, vì phải làm thêm việc bán lẻ vào thứ sáu để sống qua ngày.
Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com