Thêm doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nguy cơ vỡ nợ

KINHTENEWS - Yango Group, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, đang tìm cách gia hạn thanh toán ba khoản trái phiếu USD.

Thông tin này được Yango nộp lên sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến. Công ty xây dựng có trụ sở tại Thượng Hải này đứng thứ 18 Trung Quốc về doanh số bán hàng. Họ muốn thực hiện động thái trên để cải thiện khả năng thanh toán và tránh vỡ nợ.

Cổ phiếu của công ty đã giảm tới 8,4% hôm nay (1/11) tại sàn giao dịch Thâm Quyến - xuống mức thấp nhất trong bảy năm. Còn trái phiếu USD đang có ngày giảm thứ 8 liên tiếp sau khi đã giảm gần 9 cent tháng trước.

Gần đây, nhiều công ty bất động sản đang trì hoãn thanh toán trái phiếu trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản và những bất ổn liên quan đến Evergrande. Điều này càng khiến các công ty trong ngành gặp khó khăn hơn trong việc trả lãi trái phiếu USD.


Tháng trước, Xinyuan Real Estate cũng phải chấp nhận một thỏa thuận hoán đổi trái phiếu. "Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thỏa thuận tương tự hoặc thậm chí là vỡ nợ thời gian tới", Eddie Chia, Giám đốc danh mục đầu tư tại China Life Franklin nhận định.

Ông đánh giá Yango là một nhà phát triển bất động sản hàng đầu có hoạt động bình thường, mặc dù sử dụng hơi nhiều đòn bẩy. "Tuy nhiên, rõ ràng là nó đang bị đe dọa bởi một cuộc khủng hoảng niềm tin", Chia nói.

Việc kéo dài thời hạn thanh toán trái phiếu là một giải pháp tạm thời. Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng việc trì hoãn thanh toán sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện thanh khoản cho các nhà phát triển bất động sản khi thị trường sơ cấp mở cửa lại, dù chưa rõ thời gian cụ thể.

Ngay cả khi các doanh nghiệp có thể trì hoãn việc thanh toán trái phiếu ngắn hạn, họ vẫn phải chật vật để củng cố sức khỏe tài chính của mình khi doanh số bán hàng chậm lại và lợi nhuận giảm. Tháng trước, 100 nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc đã ghi nhận doanh thu giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong tháng 10, ít nhất 4 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ vì không thể tiếp cận các kênh tái cấp vốn. Điều này làm dấy lên lo ngại về làn sóng vỡ nợ dây chuyền.

Tú Anh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889