KINHTENEWS - Hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm vào tháng 9, với một phần nguyên nhân là thiệt hại của cuộc khủng hoảng thiếu điện.
Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay (30/9) cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất, tháng 9 đã giảm xuống 49,6 từ mức 50,1 trong tháng 8. Chỉ số dưới mốc 50 báo hiệu sản lượng sụt giảm.
Trước đó, các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters đã kỳ vọng chỉ số này sẽ duy trì ổn định ở mức 50,1 điểm. Sau khi có số liệu chính thức, Reuters cho rằng PMI bất ngờ giảm là do hạn chế sử dụng điện và giá đầu vào tăng cao.
Phía Bloomberg cũng đánh giá, Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng điện trên diện rộng, có nguy cơ làm chậm tăng trưởng kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ngay trước mùa mua sắm cuối năm. Ít nhất 20 tỉnh đã hạn chế sử dụng điện trong tháng 9, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mọi thứ, từ nhôm thép đến đồ chơi và quần áo.
Zhao Qinghe, Nhà thống kê cấp cao tại Cục Thống kê Quốc gia, cho biết PMI sản xuất sụt giảm là do hoạt động chậm chạp của các ngành sử dụng nhiều năng lượng. Cùng với đó, chỉ số phụ về đơn đặt hàng mới đã giảm trong hai tháng liên tiếp, "phản ánh sự chậm lại trong hoạt động sản xuất chế tạo và nhu cầu thị trường".
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất đồ chơi và sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh tại một nhà máy ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc vào ngày 22/6. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, PMI sản xuất do Caixin đo lường lạc quan hơn, khi nó phục hồi lên mốc 50 từ mức 49,2 trong tháng 8. Theo Caixin, sự cải thiện này là nhờ nhu cầu trong nước ổn định hơn, trong khi doanh số xuất khẩu tiếp tục giảm.
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng điện làm tăng thêm một loạt các sóng gió đã ập đến nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài vấn đề năng lượng, thị trường bất động sản lại đang căng thẳng với "quả bom nợ" Evergrande. Giá cả đầu vào cao khiến lợi nhuận sản xuất thu hẹp. Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt các ngành bất động sản và Internet. Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn yếu do dịch tái bùng phát.
"Gián đoạn nguồn cung khá phổ biến và sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới", Cui Li, Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô của CCB International Securities, đánh giá.
Trong khi đó, PMI phi sản xuất - ghi nhận lĩnh vực xây dựng và dịch vụ - cải thiện lên mức 53,2, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra trước đó là 49,8. Khu vực dịch vụ được hưởng lợi phần nào từ việc chi tiêu trong ba ngày nghỉ lễ Tết Trung thu. Theo NBS, hoạt động trong các ngành bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát vào tháng 8 đã phục hồi đáng kể, bao gồm cả lĩnh vực vận tải, khách sạn và dịch vụ ăn uống.
Mặc dù vậy, doanh thu vận tải và du lịch vẫn dưới mức trước đại dịch, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng mới từ biến thể Delta.
Trái phiếu và đồng nhân dân tệ ít thay đổi do các tín hiệu tốt xấu đan xen của PMI sản xuất và dịch vụ. Chỉ số CSI 300 đã tăng 0,8%.
Zhang Zhiwei, Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Managementở Hong Kong, cho rằng PMI sản xuất yếu đã gửi một báo động tới chính phủ. "Câu hỏi lớn đặt ra là liệu các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được vận dụng để hỗ trợ ngay bây giờ hay chính phủ sẽ đợi đến cuối năm để thay đổi các chính sách", vị này nói.
Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho biết sẽ khó có nới lỏng toàn diện các chính sách tài khóa và tiền tệ. Chính phủ có thể tiếp tục hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp đổi mới, thông qua các biện pháp như cắt giảm tỷ lệ trích lập dự phòng, đồng thời thắt chặt chính sách đối với lĩnh vực bất động sản và tài chính của chính quyền địa phương.
Phiên An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com