Quỹ đứng sau The Coffee House, Ahamove thua lỗ

KINHTENEWS - Doanh thu The Coffee House, Juno, AhaMove, Giao Hàng Nhanh… năm 2020 đều sụt giảm, góp phần khiến Ficus Asia Investment - quỹ đứng sau nó - lỗ thêm.

Báo cáo tài chính của Ficus Asia Investment, quỹ đầu tư đứng sau Seedcom, vừa được công bố tại Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán của Singapore (ACRA). Theo đó, Ficus Asia ghi nhận 91,3 triệu USD doanh thu lĩnh vực giao vận, giảm 8% so với năm 2019. Doanh thu chuỗi cửa hàng cà phê trong năm ngoái đạt 30,8 triệu USD, giảm 17%. Con số trên của chuỗi bán lẻ thời trang là 23,3 triệu USD, giảm đến 26%.

Tổng lại, Ficus Asia ghi nhận doanh thu gần 157 triệu USD, giảm 11% so với năm trước đó. Mức lỗ ròng cả năm tăng hơn phân nửa lên 38 triệu USD. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết, mức tăng lỗ ròng thực tế chỉ khoảng 3 triệu USD. Phần còn lại là chi phí dự phòng trích trước (phi tiền mặt) liên quan tới các cam kết với các nhà đầu tư. Cả hai khoản này đều không ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, nên chỉ số này được cải thiện lên 12 triệu USD, thoát khỏi mức âm 2 triệu USD của năm trước đó.

Có trụ sở tại Singapore nhưng Ficus Asia vốn do ông Đinh Anh Huân sáng lập. Quỹ này hiện chỉ nắm giữ cổ phần chính tại Seedcom, cũng do chính ông Huân tạo dựng. Thông qua các hoạt động đầu tư của Seedcom, Ficus Asia đang quản lý Scommerce (vận hành AhaMove, Giao Hàng Nhanh), The Coffee House (chuỗi cà phê), Juno (chuỗi sản xuất, bán lẻ giày và túi xách), Hnoss (chuỗi cửa hàng thời trang), Haravan (dịch vụ website và hỗ trợ bán hàng đa kênh)... Trong hệ sinh thái của Seedcom - Ficus Asia, các doanh nghiệp dựa vào hoạt động bán lẻ trực tiếp là chủ yếu nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch.

Báo cáo tài chính năm 2020 cũng cho thấy, Ficus Asia đã tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong nhiều công ty. Tổng cộng, doanh nghiệp này đã chi 7 triệu USD cho các khoản đầu tư vào các công ty liên kết và 13 triệu USD để mua lại các công ty con.

Thực tế, năm ngoái Seedcom đã mua thêm cổ phần The Coffee House, Juno và Haravan, qua đó giành được quyền kiểm soát phần lớn đối với ba công ty trên. Đại diện Ficus cho biết, việc này giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn trong các công tác quản trị, giúp các công ty định hướng phát triển lành mạnh và tăng trưởng nhanh hơn trong tương lai nhờ hậu thuẫn từ hệ sinh thái.

Ông Đinh Anh Huân cho biết thêm: "The Coffee House, Juno và Haravan là một phần trong chiến lược bán lẻ mới của Seedcom nhằm xây dựng một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp phục vụ cả người dùng cuối và các nền tảng doanh nghiệp với doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ".


Seedcom cũng đã thoái vốn khỏi thương hiệu thời trang nữ Eva de Eva. Trước đó, doanh nghiệp này cũng cho đóng cửa chuỗi trà sữa Ten Ren vào giữa tháng 8/2019. Đây cũng là hai sự kiện ảnh hưởng đến sự sụt giảm doanh thu ở mảng cà phê và thời trang trong năm 2020.

Gần đây, Ficus Asia nhận thêm 10 triệu USD từ Quỹ đầu tư eWTP Technology and Innovation Fund của Alibaba. Vào tháng 10/2020, eWTP cũng đã đầu tư 50 triệu USD thông qua một pháp nhân Singapore là Redefine Capital Fund. Thời điểm đó, Ficus Asia được định giá 370 triệu USD, theo tính toán của VentureCap.

Tấn Đạt
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889