Be hoạt động lại ở TP HCM

KINHTENEWS - Be cho biết sẽ mở lại dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tại TP HCM từ 12h ngày 18/8.

Be Group, đơn vị sở hữu ứng dụng Be cho biết, cả hai dịch vụ sẽ chỉ giao những mặt hàng thiết yếu. Trường hợp khách hàng đặt dịch vụ nhưng không phải mặt hàng thiết yếu, tài xế sẽ chủ động từ chối và hủy đơn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Các đơn hàng đặt qua ứng dụng của nền tảng này sẽ được giao cả nội quận và liên quận, trong thời gian từ 6h đến 17h hàng ngày để tài xế kịp quay về nhà trước 18h theo đúng quy định. Nền tảng này khuyến cáo tài xế và khách hàng thực hiện 5K khi giao nhận hàng, và khuyến khích thanh toán không tiền mặt để có trải nghiệm dịch vụ an toàn. Trước đó, Be dừng tất cả dịch vụ tại TP HCM từ 10h ngày 27/7.

Như vậy, đến trưa 18/8, các dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tức thì theo nhu cầu (on-demand) của Be, Grab, Gojek và ShopeeFood đã hoạt động lại liên quận sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mua sắm, vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân TP HCM.


Về tiến độ tiêm vaccine và hỗ trợ cho đội ngũ tài xế, Be cho biết vẫn đang tiến hành thống kê. Phía Grab cho biết, tính đến 17/8, đã có hàng chục nghìn đối tác tài xế khắp cả nước của nền tảng này đã được tiêm vaccine Covid-19. Gojek thì có gần 8.000 tài xế đã được đăng ký với Sở Công Thương để được cấp phép hoạt động hàng ngày, với khoảng 50% số tài xế đang hoạt động đã được bố trí tiêm vaccine tại địa bàn nơi cư trú.

ShopeeFood cũng cho hay đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng thông báo và hướng dẫn cho khoảng hơn 3.500 tài xế tham gia các chương trình tiêm vaccine tại TP HCM. Bên cạnh đó, nền tảng cũng ghi nhận có nhiều tài xế khác đã được tiêm vaccine tại các địa phương.

Trao đổi với VnExpress mới đây, bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group bình luận, giãn cách xã hội không hẳn là cơ hội cho các đơn vị vận tải giao hàng. Thứ nhất, số yêu cầu của khách có thể cao nhưng đây là hiện tượng tăng đột biến, cá biệt mà không có giá trị lâu dài. Sau dịch bệnh thì các ứng dụng sẽ chứng kiến sự sụt giảm vì nhu cầu trong dợt dịch này không phải là nhu cầu thật của khách hàng.

Thứ hai, thực tế là cùng một khách hàng đặt có thể đặt nhiều ứng dụng khác nhau. Do ứng dụng không đủ tài xế nên lượng yêu cầu trên ứng dụng mới tăng. Song dù nhu cầu tăng nhưng việc quá nhiều khu vực phong toả trong thành phố cũng sẽ gây trở ngại trong việc nhận đơn, cũng như kéo dài thời gian giao hàng.

Thứ ba là chi phí nhận hàng. Để duy trì dịch vụ, các ứng dụng phải làm rất nhiều biện pháp đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu chính sách các cơ quan chức năng nên chi phí giao hàng tăng lên rất cao so với trước đó. Cách duy nhất để các ứng dụng hoạt động là tăng giá, tương ứng với chi phí vận hành. Bản thân các ứng dụng phải bù lỗ cho mỗi đơn hàng như thế.

Viễn Thông
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889