Doanh nghiệp trẻ cầu cứu vì 'sức chịu đựng đã tới hạn'

KINHTENEWS -  Ảnh hưởng nặng nề vì các đợt dịch Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp trẻ trong nước đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ.

Ngày 7/7, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trong văn bản này, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp hội viên của Hội đã "đến giới hạn của sức chịu đựng". Các đợt Covid-19 bùng phát suốt hơn một năm rưỡi qua đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hơn 10.000 doanh nghiệp hội viên thuộc Hội này. Phần lớn các doanh nghiệp đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp với nền tảng tích luỹ chưa nhiều, nên thời gian qua nhiều đơn vị đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Ông Hồng Anh cho biết, các doanh nghiệp đã cố gắng với hơn 100% khả năng để khắc phục khó khăn, tìm giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh... nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát với quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn so với 3 đợt dịch trước cộng lại khiến họ vô cùng khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Chậm trả gốc và lãi, ngoài việc phải chịu trả lãi suất trả chậm, phí phạt trả chậm, doanh nghiệp còn bị xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm.

"Nếu tình hình khó khăn tiếp tục thì chắc chắn sẽ sớm đẩy đa số doanh nghiệp này vào tình trạng phá sản, người lao động sẽ mất việc làm hàng loạt, dẫn đến mất ổn định tr ật tự xã hội", Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nêu.

Sản xuất tại một doanh nghiệp may ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước khó khăn bủa vây, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị Chính phủ 6 giải pháp "tiếp sức" cho cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Một là đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp thích hợp xử lý các khoản vay. Với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.

Ông cũng đề nghị giảm 2% đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%. Cùng đó, các ngân hàng cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay 1,5-2% một năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021. Hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.

Các loại phí ngân hàng (chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, duy trì tài khoản...) nên giảm 50% cho doanh nghiệp, áp dụng cho 12 tháng từ tháng 7/2021.

Ông Hồng Anh cũng đề xuất, không giảm điều kiện tín dụng thông thường, không định giá lại các tài sản cầm cố nhưng tăng tỷ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10% (ví dụ trước đây cho vay 70% trị giá tài sản đảm bảo thì nay cho vay 77%) và tối đa được phép cho vay 110% trị giá tài sản đảm bảo.

Ngoài các đề xuất về tài chính, giảm lãi suất, các loại phí... Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Chính phủ lập Ban nghiên cứu phát triển các giải pháp fintech và đồng tiền kỹ thuật số, và mong muốn có đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tham gia, nhằm tận dụng khả năng sáng tạo và thế mạnh về công nghệ của hơn 10.000 hội viên doanh nhân trẻ.

Báo cáo 6 tháng của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể trong nửa đầu năm nay tăng 25% so với cùng kỳ, với hơn 70.200 doanh nghiệp. Cơ quan thống kê đánh giá, phần lớn doanh nghiệp chọn phương án đóng cửa, giải thể do ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt dịch Covid-19.

Trong đó, số lượng tạm ngừng kinh doanh chiếm trên 35.600 doanh nghiệp và chờ giải thể 24.600 doanh nghiệp. Phần còn lại gần 10.000 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể

Phần lớn doanh nghiệp chọn phương án đóng cửa có tuổi đời dưới 5 năm, quy mô nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Hơn 89% doanh nghiệp rút khỏi thị trường nửa đầu năm có vốn dưới 10 tỷ đồng, trong khi trên 100 tỷ đồng chỉ khoảng 1%.

Anh Minh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889