Hàng tạp hóa, tươi sống đắt hàng trên chợ mạng

KINHTENEWS - Trong lúc một số người tiêu dùng tranh thủ đến siêu thị gom hàng trước lệnh giãn cách ở TP HCM, nhóm khác đã đổ đi chợ online.

Những ngày trước giãn cách xã hội ở TP HCM, hàng tươi sống, tạp hóa đã đồng loạt hút hàng trên các sàn thương mại điện tử. Thống kê của Tiki cho biết, chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, tăng trưởng toàn sàn lên đến 30%.

Xu hướng tìm kiếm tăng rõ rệt ở những nhóm ngành hàng phục vụ cho công việc và hoạt động của bản thân và gia đình: hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ tươi sống, nhà cửa đời sống, mẹ - bé, dụng cụ thể thao, hàng điện tử và phụ kiện.

Trên Lazada, so với đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái, những ngày qua, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng trưởng gấp 3 lần. Đáng chú ý, các mặt hàng tươi sống và đông lạnh thậm chí tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện sàn này cho biết, mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng tay hay các vật dụng bảo hộ vẫn nhận được sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, do nguồn cung đã ổn định và người tiêu dùng không còn tâm lý tích trữ nên không xảy ra tình trạng cháy hàng hay khan hiếm.

"Trải qua ba làn sóng Covid-19, người dân đã làm quen với việc mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết qua các kênh online, thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa quá mức như trước đây", đại diện Lazada nói.

Trái cây bán trên một sàn thương mại điện tử. Ảnh: Viễn Thông.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Shopee Việt Nam xác nhận, nhiều người đã chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày, thúc đẩy "tăng trưởng nhu cầu đối với tất cả danh mục ngành hàng". Trong đó, nhu cầu tăng mạnh những ngày qua là các mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sắc đẹp, đồ điện tử và gia dụng.

Trao đổi với VnExpress, các sàn đều cho biết đang bơm lượng hàng hóa rất dồi dào, và liên tục tung khuyến mại để duy trì thói quen mua sắm online của người tiêu dùng.

Tiki cho hay đã phối hợp với các đối tác là nhà bán hàng và thương hiệu đẩy mạnh nguồn cung ở hầu hết ngành hàng, dự kiến tăng lên đến 50%, đặc biệt với nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, cũng như ngành hàng công nghệ hỗ trợ làm việc và giải trí tại nhà.

Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, nhất là sản phẩm nước rửa tay tăng 25 lần. "Tất cả sản phẩm trên sàn đều cam kết bình ổn giá bán", đại diện Tiki nói.

Trong khi đó, Shopee đã lập ra bộ sưu tập các mặt hàng như thực phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, nhu yếu phẩm cần thiết với giá tốt kèm miễn phí vận chuyển để khách hàng lựa chọn thuận tiện và nhanh chóng nhất.

"Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu, nhà bán hàng trong giai đoạn này nhằm mang đến cho người mua nhiều lựa chọn về sản phẩm chính hãng từ những vật dụng hàng ngày cho đến sản phẩm cao cấp, đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng", ông Tuấn Anh cho biết.

Phía Lazada thậm chí còn có một lễ hội mua sắm hè từ 6/6 đến hết ngày 10/6 trùng đợt giãn cách lần này tại TP HCM. Đại diện sàn khẳng định sẽ liên tục mở rộng nguồn hàng, triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, ưu đãi giảm giá.

Diễn biến những ngày qua cũng cho thấy nhiều người tiêu dùng đã dần quen mua sắm hàng bách hóa, thiết yếu trên kênh trực tuyến. Báo cáo quý I/2021 của iPrice công bố chiều 1/6 cho biết, chỉ có bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất tăng trưởng lượng truy cập, với 13%, trong quý vừa qua.

Trước đó, đầu năm 2020, khi người dân bắt đầu ở nhà phòng dịch, các website chuyên kinh doanh bách hóa tăng trưởng 45% lượng truy cập so với quý trước đó. Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, xu hướng này duy trì mức ổn định khi tăng 10% ở giai đoạn cuối năm.

"Như vậy, có thể nói rằng Covid-19 là chất xúc tác mạnh mẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm các sản phẩm thiết yếu, cần thiết phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng trên kênh trực tuyến", iPrice nhận định.

Ở chiều ngược lại, hầu hết ngành hàng không thiết yếu khác bị ảnh hưởng tiêu cực về lượng truy cập. Ở quý trước, truy cập vào ngành thời trang giảm nhẹ 2%, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe giảm 3%. Các ngành hàng không thiết yếu khác như điện máy, di động cũng giảm lần lượt 6% và 9%.

Tính chung cả quý I, lượng truy cập website trung bình của các sàn thương mại điện tử Việt Nam giảm 9% so với quý IV/2020. Trật tự các doanh nghiệp thương mại điện tử tốp đầu như cũ. Shopee vẫn giữ "ngôi vương" về lượng truy cập website trong quý I khi đạt 63,7 triệu lượt. Họ đã đứng đầu trong 11 quý liên tiếp.

Lượng truy cập website của Tiki và Lazada không chênh lệch nhau quá lớn, lần lượt đạt 19 triệu và 18 triệu lượt quý vừa qua. Trong khi Sendo đạt 8,1 triệu lượt truy cập. Cả ba sàn này đều có lượng truy cập giảm so với quý trước đó.

iPrice cho rằng, khi Covid-19 đang diễn ra, những điều bất bình thường dần trở thành "bình thường mới", các doanh nghiệp thương mại điện tư nên cân nhắc đến việc cho ra đời những chiến lược bán lẻ phù hợp. "Tập trung vào khách hàng, thị trường và theo dõi sát sao đối thủ cạnh tranh chưa bao giờ là dư thừa để có những bước đi phù hợp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp", nhóm nghiên cứu nhận định.

Trước mắt, cơ hội từ đợt giãn cách và mua sắm hè này đang là điểm mấu chốt không thể bỏ qua. Sàn nào cũng đang có những đầu tư cho riêng mình, không chỉ ở chỗ ưu đãi cho người mua và còn chăm chút cho người bán.

Lazada gần đây có dấu hiệu muốn tăng tốc và cải thiện thứ hạng khi không ngừng tung các các ưu đãi "bạo tay" cho khách hàng, bên cạnh việc tái kích hoạt gói kích cầu kinh tế, hỗ trợ 100.000 nhà bán hàng vượt qua đại dịch với tổng giá trị 10 tỷ đồng. Trong khi đó, Shopee cũng tung ra chương trình miễn phí chạy quảng cáo (Ads), miễn phí gói hoàn xu, voucher cho các nhà bán hàng.

Viễn Thông
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889