Giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử

KINHTENEWS - Ngày 04/5, tại TP. HCM, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng”.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển rất mạnh, với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm gần đây đạt 38%. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng thị trường này vẫn tăng trưởng 16% và dự báo sẽ đạt giá trị tới 52 tỷ USD vào năm 2025.

Nhiều ý kiến cho rằng, thương mại điện tử phát triển nhanh và bùng nổ, nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến; trong đó, người dùng thường bị rơi vào các trường hợp sau: người bán hàng cung cấp thông tin về sản phẩm không đầy đủ, không chính xác về thành phần; không thực hiện trách nhiệm cung cấp hoá đơn, chứng từ giao dịch; vi phạm trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hóa; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; huỷ đơn hàng không có lý do...

 Hội thảo: "Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng" sáng 4/5 tại TP. HCM

Như một hệ quả tất yếu, số vụ tranh chấp trên môi trường thương mại điện tử cũng có xu hướng gia tăng. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp hiện nay, các doanh nghiệp và cá nhân thường lựa chọn thương lượng (57,8%); toà án (46,8%); hòa giải (22,8%) và trọng tài (16,9%). Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) được coi là sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và tiền bạc cho doanh nghiệp thì lại chưa được nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết đến và sử dụng; mặc dù nền tảng hoà giải thương mại trực tuyến (Medup) đã được Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho ra mắt vào tháng 3/2021.

Tuy nhiên, phương thức này cũng có những nhược điểm như yêu cầu về khả năng sử dụng máy tính; rào cản ngôn ngữ và – quan trọng hơn cả - vẫn còn thiếu những tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng.

Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu CIEM đưa ra một số đề xuất nhằm phát huy hiệu quả của cơ chế ODR; trong đó yêu cầu quan trọng hàng đầu là hoàn thiện các điều kiện để phổ biến và ứng dụng ODR như xác định và hướng dẫn chuyển đổi mô hình kinh tế, tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển khu vực tư nhân.

Cùng với đó là tiếp tục hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật có liên quan; tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh. Đặc biệt, việc tổ chức và triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như các chính sách và điều kiện để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam được coi là điều kiện không thể thiếu.

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng cùng các doanh nghiệp tham gia cũng bày tỏ những khó khăn trong bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương, đặc biệt trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng kiến nghị cần tuyên truyền nhiều hơn để người dân và doanh nghiệp hiểu và phòng tránh trước những phương thức thủ đoạn mới lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phú Cường

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889