Trung Quốc theo đuổi khát vọng thoát công nghệ Mỹ

KINHTENEWS - Trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, các lãnh đạo Trung Quốc muốn đưa đất nước thành siêu cường đổi mới không phụ thuộc vào công nghệ của ai, đặc biệt là Mỹ.

Trong dự thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được công bố hôm 5/3, Trung Quốc gọi việc phát triển công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia thay vì chỉ nhằm phát triển kinh tế, một bước ngoặt so với kế hoạch trước đó.

Theo kế hoạch, ngân sách cho nghiên cứu và phát triển sẽ tăng 7% mỗi năm, bao gồm cả khu vực công và tư nhân. Mức tăng này cao hơn cả ngân sách cho quốc phòng, vốn được dự kiến ở mức 6,8% vào năm sau.

Cam kết mạnh tay đầu tư cho công nghệ được Trung Quốc đưa ra sau 4 năm đầy biến động trong quan hệ với nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump, người đã tung một loạt lệnh hạn chế quyền tiếp cận công nghệ Mỹ của các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Bình luận viên Paul Mozur và Steven Lee Myers của NY Times nhận định thời kỳ hỗn loạn này đã củng cố quan điểm của Bắc Kinh rằng ngay cả khi Trump đã rời Nhà Trắng và Joe Biden lên nắm quyền, Washington vẫn sẽ quyết cản trở đà đi lên của họ. Vì vậy, Trung Quốc không thể tiếp tục dựa vào nguồn cung công nghệ ổn định của phương Tây để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Sau khi qua được cầu, nước Mỹ chỉ muốn rút ván", Zhang Xiaojing, nhà kinh tế học tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, viết trong bài xã luận đăng trước thềm kỳ họp quốc hội thường niên đang diễn ra ở Bắc Kinh.

Gian trưng bày điện thoại và máy tính bảng tại Đại hội Thế giới Di động ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 23/2. Ảnh: Xinhua.

Tuy nhiên, con đường vươn tới "những đỉnh cao công nghệ toàn cầu", như mô tả của Chủ tịch Tập Cận Bình về khát vọng của Trung Quốc, rõ ràng vô cùng khó khăn. Trước đây, Bắc Kinh từng đặt kế hoạch dành 2,5% GDP vào nghiên cứu và phát triển, nhưng mức chi tiêu thực tế không chạm đến mục tiêu đó.

Một lĩnh vực khiến Trung Quốc chật vật là vi mạch, khi hầu hết sản phẩm điện tử của họ phụ thuộc vào nó. Các công ty của nước này lúng túng trước quá trình sản xuất chip vô cùng phức tạp, nên quyết định thay vì nghiên cứu, họ nhập khẩu phần lớn thiết bị bán dẫn cần thiết.

IC Insights, công ty nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ, cho biết mặc dù đã đầu tư hàng chục tỷ USD để nghiên cứu và sản xuất, sản lượng chip nội địa của Trung Quốc chỉ đáp ứng được 15,9% nhu cầu nước này trong năm 2020, cao hơn một chút so với mức 15,1% hồi năm 2014. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần trước đã chi tiết hóa những đề xuất nhằm đẩy mạnh phát triển thiết bị bán dẫn cao cấp, các hệ thống điều hành, bộ xử lý máy tính, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

"Tôi nghĩ họ thực sự lo lắng. Họ biết rằng nếu không thể tiếp cận những công nghệ đó, họ sẽ không đủ khả năng đạt được các mục tiêu đề ra", Rebecca Arcesati, nhà phân tích công nghệ tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức, đánh giá.

Các bình luận viên của NY Times cho rằng ở một mức độ nào đó, chiến lược mới này là "bình mới rượu cũ" của chiến dịch "Made in China 2025" được ông Tập đề ra trước đó. Chiến dịch này đặt mục tiêu tự sản xuất 70% thành phần quan trọng cho các nhà máy Trung Quốc vào năm 2025. Tuy nhiên, nó lại khiến các đối tác thương mại lo ngại và là một yếu tố dẫn đến chiến tranh thương mại với Mỹ.

"Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào thế giới, không phải để giảm hoạt động giao thương, mà nhằm đảm bảo họ sẽ không chịu tổn hại trước những đòn đe dọa chiến lược", Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, cho hay.

Trong khi đó, các công ty Mỹ từ lâu đã phàn nàn về những chính sách bắt buộc chuyển giao công nghệ do Trung Quốc đề ra. Loạt cáo buộc chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn hoạt động tấn công mạng nhằm vào tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ, hoặc cài gián điệp vào doanh nghiệp, khiến căng thẳng ngày càng leo thang.

Về phía Trung Quốc, giới chức nước này vài tuần gần đây liên tục nhấn mạnh sự nguy hiểm của các "yết hầu", những công nghệ nền tảng chủ chốt do Mỹ kiểm soát. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Tiêu Á Khánh công bố bản đánh giá "các lỗ hổng" trong 41 lĩnh vực, có thể khiến chuỗi cung ứng công nghệ bị phá vỡ "trong những thời điểm hệ trọng".

Bắc Kinh dường như đang đầu tư mạnh tay để tránh viễn cảnh này. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tuần trước cho biết họ đang chuẩn bị hơn 60 tỷ USD vốn vay cho hơn 1.000 doanh nghiệp chủ chốt trong kế hoạch đổi mới chiến lược, đồng thời huy động được 30 tỷ USD cho một quỹ đầu tư vi mạch mới do chính phủ hậu thuẫn.

Ni Guangnan, cán bộ tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho rằng nước này nên tạo ra một "hệ thống Trung Quốc" có thể thay thế toàn bộ các hệ thống của Intel, Microsoft hay Oracle vốn thống trị lĩnh vực điện toán lâu nay. Ông nói thêm rằng Trung Quốc cũng nên khiến thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ của họ, để "thiết lập lá chắn mạnh mẽ" trước các lệnh cấm vận trong tương lai.

Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra rằng không đất nước nào có thể với gần đến mục tiêu thực sự tự lực trong vô số công nghệ tiên tiến cần thiết để vận hành một nền kinh tế và quân đội hiện đại.

Nhiều đồng minh của Mỹ được cho là "ngư ông đắc lợi" với việc các công ty của họ tận dụng lợi thế tại một thị trường Trung Quốc ngày càng vắng bóng doanh nghiệp Mỹ. Hồi đầu tháng, công ty Hà Lan ASML cho biết đã gia hạn hợp đồng cung cấp thiết bị cho hãng sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC, dù công ty này bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm ngoái.

Những diễn biến như vậy có thể tiếp tục khiến Tổng thống Mỹ Biden thất vọng, khi ông coi Trung Quốc là thách thức ngoại giao quan trọng nhất. Trong khi đó, Bắc Kinh hướng tới ngăn chặn những nỗ lực cô lập họ của Washington, bằng cách bắt tay với các nền kinh tế lớn, bao gồm các đồng minh chính trị của Washington.

Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng không còn mặn mà với kỳ vọng tái thiết quan hệ ngoại giao với Mỹ sau những năm dưới thời Trump. Cuộc trò chuyện đầu tiên giữa Tổng thống Biden với ông Tập kéo dài khoảng hai giờ, bao gồm việc thảo luận về "hành vi kinh tế không công bằng và chèn ép của Bắc Kinh", Nhà Trắng cho hay.

Biden cảnh báo Mỹ cần bắt kịp Trung Quốc về đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các ngành công nghệ khác, như xe điện. "Nếu chúng ta không hành động, họ sẽ ăn bữa trưa của chúng ta", ông chủ Nhà Trắng cho hay.

Tuy nhiên, chỉ hai năm trước, khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống, Biden từng bác bỏ thách thức từ phía Bắc Kinh bằng câu nói hoàn toàn trái ngược.

"Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của chúng ta ư? Thôi nào các bạn!", ông phát biểu tại Iowa hồi năm 2019.

Ánh Ngọc
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889