KINHTENEWS - Sáng 25/3, tại TP. HCM, Hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” đã được tổ chức long trọng với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp.
Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) cho rằng Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do có qui mô lớn nhất hiện nay Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới và chiếm 32% GDP toàn cầu. Hiệp định hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và giúp Việt Nam có thể kết nối tốt hơn chuỗi cung ứng hoàng hóa toàn cầu so với các FTA khác.
Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương - Chuyên gia kinh tế Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có phần trình bày về "RCEP: Hàm ý chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam". Bằng việc điểm lại những diễn biến kinh tế thế giới trong thời gian qua, so sánh RCEP với các FTA Việt Nam đang thực thi, chuyên gia nhận định RCEP sẽ giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập cho Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở rộng thị trường và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, RCEP cũng sẽ kéo theo những thách thức về nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia thành viên. Thông qua các đánh giá khách quan, chuyên gia đã làm rõ lợi thế và rủi ro của hiệp định giúp doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược phù hợp khi khai thác RCEP. Theo chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cần tìm hiểu kỹ các qui định thị trường để kịp thời thay đổi và tận dụng hiệu quả các lợi ích mà các FTA mang lại.
Từ gốc độ pháp lý, luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng văn phòng luật Mặt Trời Mới, Trọng tài viên VIAC đã có phần trình bày liên quan đến các điểm pháp lý nổi bật, giải quyết tranh chấp trong Hiệp định RCEP. Chuyên gia đã cập nhật cho doanh nghiệp những thông tin chi tiết về cơ chế giải quyết tranh chấp qui định tại chương 19 của Hiệp định RCEP. Theo đó, hiệp định khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, tham vấn, hòa giải và sự thỏa thuận của các bên sẽ hoàn toàn được tôn trọng. Chuyên gia cũng đưa ra các phân tích và khuyến nghị về các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình giao dịch của doanh nghiệp như: xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán, sở hữu trí tuệ...
Phú Cường
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com