TP.HCM: Hội nghị khoa học về An toàn thực phẩm và an ninh lương thực lần 4 năm 2020

 KINHTENEWS - Ngày 15/12/2020, tại TP.HCM, Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức hội nghị khoa học An toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo Việt Nam hiện có số trẻ em thừa cân, béo phì đang tăng lên gấp 10 lần kể từ năm 1976 đến nay. Trong khi đó, tại TP.HCM có 41,4% học sinh bị thừa cân, béo phì. 

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và an ninh lương thực, các thầy cô giảng viên, học viên cao học, sinh viên, cán bộ đoàn viên ưu tú, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP.HCM.


Theo thống kê, hiện Việt Nam có các bệnh không lây nhiễm đang tăng lên gấp 2-4 lần, trong đó 4 bệnh phổ biến là tim mạch, ung thư, bệnh về hô hấp và tiểu đường. Trong đó, có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, mỗi năm có khoảng 75.000 ca ung thư tử vong. Điều đáng nói là các bệnh không lây nhiễm hiện nay có xu hướng trẻ hóa.

Có thể khẳng định, do sự phát triển về kinh tế, đa dạng của thực phẩm, đậm độ năng lượng, thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Việt Nam có số lượng trẻ em 23% tại Việt Nam bị thấp còi, 12% bị nhẹ cân. Theo Hội dinh dưỡng Việt Nam có nghiên cứu cho thấy, tại TP.HCM có 41,4% học sinh bị thừa cân và béo phì. Trẻ em tại thành thị mắc bệnh béo phì nhiều hơn so với nông thôn.

Cùng với đó, Việt Nam hiện là quốc gia ăn đường gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có tỉ lệ gia tăng đái tháo đường đường nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo các chuyên gia cho rằng, bệnh lý không lây nhiễm gia tăng và trẻ hóa sẽ là gánh nặng y tế, kinh tế - xã hội, và cách ngăn chặn bệnh hữu hiệu nhất là dự phòng tích cực, giảm yếu tố nguy cơ.

Tại hội nghị, bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho hay Việt Nam hiện đang nằm trong giai đoạn gánh nặng kép về dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 77% ca tử vong.

Vì vậy, cần đào tạo thêm cán bộ nghiên cứu khoa học, trung tâm giáo dục sức khỏe và cung cấp thực phẩm thích hợp. Song song đó, tăng cường sản xuất thực phẩm lành mạnh, dán nhãn dinh dưỡng đối với những thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế sản xuất và cung cấp thực phẩm nhiều muối, đường...

Cũng tại Hội nghị, Hội đồng Khoa học đã trao đổi với các tác giả của 62 bài báo khoa học (đến từ 52 đơn vị trên cả nước) để lựa chọn và đánh giá những đề tài tốt, có hàm lượng khoa học cao và khả năng ứng dụng vào thực tế.


15 đề tài xuất sắc được tuyển chọn bước vào phiên báo cáo Tiểu ban và lựa chọn ra 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Trong đó, phiên Tiểu ban 1 - Công nghệ Thực phẩm với 5 báo cáo là những nghiên cứu xây dựng các phương pháp đánh giá, kiểm tra quá trình sản xuất thực phẩm, cải tiến sản xuất trên các mô hình sẵn có. Nghiên cứu sử dụng các công nghệ hiện đại trong sinh học, hóa học và môi trường nhằm định lượng và định tính các hoạt chất có lợi và có hại trong thực phẩm, từ đó có những khuyến cáo dành cho người tiêu dùng.

Phiên Tiểu ban 2 - Khoa học thực phẩm với 5 báo cáo tập trung nghiên cứu về tính chất thực phẩm dưới các góc độ Hóa - Sinh - Lý, nghiên cứu cách để nông sản không phun xịt hóa chất mà vẫn tươi ngon nhằm tối ưu chất dinh dưỡng. Đề tài nghiên cứu về các loại thực phẩm sạch, hữu cơ và các thực phẩm công nghiệp được chế biến đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm,...

Phiên Tiểu ban 3 - An ninh lương thực với 5 báo cáo tập trung vào định hướng, thực trạng và tình hình sản xuất lương thực - thực phẩm tại Việt Nam; nghiên cứu xây dựng và thử nghiệm các mô hình sản xuất thực phẩm mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm thực phẩm tiêu dùng; đánh giá tác động của sản xuất thực phẩm lên sức khỏe và cuộc sống con người; giá trị sản lượng lương thực thực phẩm tại Việt Nam và những nguồn lợi từ thực phẩm mang lại cho nền kinh tế và các nghiên cứu về logistic trong vận chuyển hàng hóa thực phẩm nhằm tối ưu hóa thời gian vận chuyển nhằm mang lại giá thành cao nhất.

Khải Hoàng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889