KINHTENEWS - Sáng ngày 02/12, Gala chung kết Startup Việt 2020 đã chính thức diễn ra tại Khách sạn InterContinental, với 500 khách mời gồm các startup, chuyên gia, nhà đầu tư đến từ các lĩnh vực khác nhau.
Startup Việt là chương trình bình chọn khởi nghiệp thường niên do báo VnExpress tổ chức nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam .
Khác với bốn mùa trước, Startup Việt 2020 chia thành hai hạng mục gồm nhánh Early Stage và nhánh Seed+:
- Nhánh Early Stage: Các startup đang trong giai đoạn khởi tạo ý tưởng, demo hay có sản phẩm thử nghiệm ra mắt thị trường dưới một năm, đã có khách hàng/doanh thu.
Các Startup thuộc nhánh này sẽ cùng tham gia tranh tài, nhằm chọn ra các startup tiềm năng nhất dựa trên đánh giá từ hội đồng chuyên môn và bình chọn của khán giả.
- Nhánh Seed+: Các startup ở giai đoạn Seed tới Series A, B… Các startup tham gia phải thỏa mãn các tiêu chí gồm đang có nhu cầu gọi vốn tối thiểu 200.000 USD, tổng vốn đầu tư đã huy động từ các quỹ đầu tư hoặc từ cá nhân đạt trên 200.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng), công ty đã thành lập trên một năm và đã có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Startup Việt đã phối hợp cùng Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2020 để kết nối Top 15 nhánh Seed+ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm mở rộng cơ hội gọi vốn cho các Startup này. Summit Startup Việt 2020 có nhiều nội dung với 2 phần chính:
- Hội thảo “The New Normal - Thời đại bình thường mới” với nhiều phiên thảo luận, keynote chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia đầu ngành, những kinh nghiệm, bài học đắt giá mang tính thời đại.
- Chung kết Startup Việt 2020: Top 5 startup sẽ có cơ hội trình bày dự án trước Hội đồng chuyên môn, được lắng nghe những ý kiến đánh giá từ các hội đồng chuyên môn của chương trình: ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT, bà Lê Diệp Kiều Trang
- Nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster, ông Richard Triều Phạm – Phó Tổng Giám đốc Tài chính Tập đoàn Tiki. Ngoài ra, Top 5 Startup Việt còn có cơ hội gọi vốn khi “Bàn đầu tư” với những đại diện đến từ các Quỹ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Một phần luôn được mong chờ tại Summit của Startup Việt không thể bỏ qua: Cơ hội gặp gỡ Chuyên gia - Speed Dating. Đây là cơ hội để các Startup được tư vấn 1-1 với các nhà đầu tư, chuyên gia, đại diện các Startup đã lớn mạnh trong hệ sinh thái. Dự kiến dàn Mentor tham dự Speed Dating là các cố vấn khởi nghiệp từ Gojek, TIKI, Swift EP, Think Zone, Infinity Blockchain, Endeavor, Nextrans, Teko, Genesia… cùng các nhà đầu tư: ông Phạm Văn Tam
- Chủ tịch tập đoàn Winsan, ông Võ Trần Đình Hiếu – CFO tại Quỹ Tăng Tốc Khởi Nghiệp VIISA, ông Bùi Ngọc Đức - Tổng giám đốc tập đoàn Đất Xanh, ông Bùi Thành Đô - Founding Partner và CEO của ThinkZone Ventures…
Startup chiến thắng chung cuộc sẽ được nhận gói truyền thông trị giá 500.000.000 VNĐ từ báo điện tử VnExpress và Smart TV iSLIM 4K 75- inch từ nhà tài trợ Asanzo. Startup hai nhánh Early Stage và Seed+ được yêu thích nhất sẽ được nhận thêm gói truyền thông trị giá 100.000.000 VNĐ từ báo điện tử VnExpress.
Tại Hội thảo, Ông Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch kiêm CEO công ty GIBC, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM cho rằng việc đeo khẩu trang là một trong những hoạt động bình thường mới. Theo ông Trường, bình thường mới là những tình huống trước đây không quen thuộc nhưng giờ đã trở nên quen thuộc. Vậy thì, bình thường mới có ý nghĩa như thế nào cho những người lãnh đạo trong kinh doanh?
Trong bài trình bày, ông Phạm Phú Trường nhắc đến khái niệm "Thế giới Vuca" với 4 thành phần gồm: thế giới luôn biến động không ngừng (Volatility); yếu tố bất định (Uncertainty); yếu tố phức tạp (Complexity) và yếu tố mơ hồ (Ambiguity). Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, trong "thế giới Vuca", tâm điểm vẫn là khách hàng, người kinh doanh cần nhìn nhận, đối diện và thay đổi như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo ông Trường, khách hàng luôn luôn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó Covid-19 là một yếu tố sẽ có trong "thế giới Vuca", tương tự như toàn cầu hóa, hội nhập... Covid-19 chỉ là một yếu tố nằm trong thế giới bình thường mới này.
Ông Phạm Phú Trường chia sẻ, những điều bình thường mới như chúng ta chia sẻ hôm nay chỉ trong ngắn hạn. Còn "bình thường mới" thực sự là một sự biến động kéo dài. Một số xu hướng mới sẽ xuất hiện và ở lại là mô hình làm việc từ xa, làm việc theo nhóm ảo, doanh nghiệp tăng biện pháp phòng rủi ro, tốc độ phát triển công nghệ ngày càng nhanh, khó dự đoán, và mô hình gọi vốn cộng đồng sẽ phổ biến hơn.
Ở phần phát biểu của bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam. Với vai trò là một nhà đầu tư thiên thần của khoảng 19 startup tính đến hiện tại, Bà Vân đã chỉ ra có 3 thất bại startup đã gặp phải khi kêu gọi đầu tư.
Thứ nhất, khi đi pitching, startup luôn mang một tinh thần tích cực về sự phát triển của startup trong thị trường. Tuy nhiên, câu đầu tiên doanh nghiệp cần đặt ra không chỉ là tinh thần mà phải là thị trường. Khi Covid-19 đến, nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi. Nếu hoạt động doanh nghiệp của doanh nghiệp không phù hợp thì cần phải thay đổi cách tiếp cận, mô hình kinh doanh để phù hợp với môi trường mới, thị trường mới, từ đó tồn tại và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Phi Vân cho rằng, không phải cứ người trẻ là thích nghi nhanh và người già thích nghi chậm. Thực tế, người trẻ có trải nghiệm thích nghi tốt hơn vì "đời vùi dập" nhiều lần. Các bạn hiểu rằng tôi sẽ thay đổi, cách tiếp cận thay đổi để doanh nghiệp tồn tại. Trên tinh thần đó, người già vẫn có thể thích nghi tốt.
Khi startup gặp gỡ nhà đầu tư thiên thần và nhận sự cố vấn, các bạn cần thức tỉnh, lắng nghe và tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách tiếp cận và còn duy trì sự liên quan trong giai đoạn mới.
Startup khi nhìn nhà đầu tư thì nhìn họ như những người rót vốn. Trên thực tế, sự cần thiết của một nhà đầu tư chiến lược sẽ cho các bạn lời khuyên, định hướng, tầm nhìn mới trong một thế giới mới, là điều rất quan trọng. Nhà đầu tư cần là một người đồng hành cùng bạn mới là một nhà đầu tư cần thiết.
Những nhà đầu tư tài chính bỏ tiền vào và "bỏ chạy", không liên quan đến startup hoặc startup không cho phép nhà đầu tư có sự liên quan, thì startup đó không thích nghi kịp. Nhà đầu tư tài chính trong giai đoạn này không còn quá quan trọng. Các bạn cần tìm nhà đầu tư chiến lược, với mạng lưới kết nối, trải nghiệm, tầm nhìn, thị trường sẵn có để các bạn có thể tham gia ngay vào.
"Chính nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp startup thay đổi và thích ứng để giúp startup còn 'tồn tại', chưa nói đến phát triển, tồn tại đã là một kỳ công", bà Nguyễn Phi Vân khẳng định.
Theo bà Phi Vân, vấn đề số 3 các startup gặp phải là quản trị doanh nghiệp sau khi đã có những chỉ số nhất định về doanh thu, phát triển nhân sự. Cụ thể, khi mới khởi nghiệp và còn là một nhóm nhỏ, startup chỉ gói gọn trong quản lý một vài người và phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã đạt đến một giai đoạn và có doanh thu, những vấn đề về quản trị con người, phát triển mô hình kinh doanh... hoàn toàn khác so với giai đoạn chỉ làm sản phẩm ban đầu.
Khi đó, nếu người lãnh đạo không thay đổi kịp để "lớn cùng với doanh nghiệp", nhà lãnh đạo bắt buộc phải đi thuê một người khác để quản trị doanh nghiệp. Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo vẫn còn suy nghĩ "đây là doanh nghiệp của tôi" thay vì chú trọng đến vấn đề "doanh nghiệp sẽ phát triển như thế nào".
Đồng thời, bà Vân chỉ ra, giai đoạn phát triển tiếp theo của startup Việt là giai đoạn nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đối diện, chấp nhận thực tế, không còn nói về những câu chuyện "lấp lánh", định giá... Các doanh nghiệp cần nhìn nhận, Covid-19 là một vấn nạn, nhưng cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp "chậm lại" nhìn nhận rõ hướng đi, sự chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo trong tương lai.
Chương trình Startup Việt 2020 đã thu hút cộng đồng khởi nghiệp với 500 dự án dự thi từ nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, y tế, giáo dục, tuyển dụng...và hơn 11.000 lượt bình chọn từ độc giả VnExpress. Song song đó là những hoạt động nổi bật: Chuỗi đào tạo bootcamp online, chuỗi hội thảo trực tuyến E - conference, chương trình giao lưu khởi nghiệp tại trường Đại học, Workshop về cách khai thác dữ liệu thành lợi nhuận.
Với nhiều đổi mới trong hình thức tổ chức để thích nghi với giai đoạn "bình thường mới", chương trình Startup Việt 2020 kỳ vọng gắn kết cộng đồng startup trong một thời kỳ nhiều biến động để không ngừng phát triển các giải pháp, dịch vụ, sản phẩm giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Vào chiều 2/12, Startup Việt 2020 đã công bố Top 5 gồm Cohota, Biostarch, Tép Bạc, Drone Pro và Mismart bước vào vòng thuyết trình trước ban giám khảo để chọn ra đội vô địch. Vượt qua những đối thủ mạnh trong Top 5, startup giải pháp quản lý ao nuôi tôm Tép Bạc chinh phục ban giám khảo và trở thành quán quân Startup Việt 2020.
Tép Bạc là công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ thủy hải sản duy nhất tại Startup Việt 2020. Công ty bắt đầu phát triển website thủy sản từ năm 2012 với kỳ vọng thay đổi thói quen nuôi trồng thủy sản của người nông dân, đến nay đã đạt 10.000 lượt truy cập. Để nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đồng thời hỗ trợ các trại nuôi các chỉ số, nhật ký về quy trình, chứng nhận xuất khẩu quốc tế, dự án tạo ra nền tảng công nghệ từ đám mây (cloud) giúp chủ nuôi theo dõi nhật ký nuôi, tính toán chí phí, cảnh báo diễn biến bất thường của môi trường và kết nối cùng chuyên gia.
Ứng dụng còn xây dựng cộng đồng để giảm dịch bệnh trên thủy hải sản, sàn giao dịch để phát triển việc mua - bán, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ và tập trung lợi ích cho người nông dân. Startup này phát triển thiết bị quan trắc môi trường nước tự động tích hợp cùng phần mềm, giải quyết các rủi ro về thay đổi môi trường và tiết kiệm nhiên liệu.
Vượt qua những đối thủ mạnh trong Top 5, startup giải pháp quản lý ao nuôi tôm Tép Bạc chinh phục ban giám khảo và trở thành quán quân Startup Việt 2020.
Thông tin về chương trình xem tại đây.
Phú Cường
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com