KINHTENEWS - Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho rằng châu Âu không thể tự đảm bảo an ninh nếu không có Mỹ và NATO hỗ trợ trong những thập kỷ tới.
"Ý tưởng về sự tự quản chiến lược của châu Âu sẽ đi quá xa nếu nó nuôi dưỡng ảo tưởng rằng chúng tôi có thể đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực mà không cần Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ", Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm nay phát biểu.
Bà Kramp-Karrenbauer nói thêm rằng châu Âu sẽ mất nhiều thập kỷ xây dựng sức mạnh quân sự thông thường cũng như năng lực hạt nhân, để có thể thay thế những gì Mỹ và NATO đang đóng góp cho sự an toàn của khu vực.
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer phát biểu trước báo giới tại Berlin hôm 2/9. Ảnh: Reuters.
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có thể sẽ xem xét lại kế hoạch rút binh sĩ Mỹ khỏi Đức mà chính quyền Donald Trump công bố hồi mùa hè.
"Trong chiến dịch tranh cử, chúng tôi nghe được từ phía đảng Dân chủ rằng họ đặt mục tiêu xem xét lại các kế hoạch này thật kỹ lưỡng. Ít nhất chúng cũng có cơ hội được thay đổi", bà nói.
Quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Đức dường như đối lập với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/11, ông đánh giá Washington sẽ chỉ tôn trọng châu Âu với tư cách đồng minh nếu họ "nghiêm túc về lập trường riêng, đồng thời sở hữu chủ quyền riêng về quốc phòng".
Tổng thống Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi NATO, thường xuyên chỉ trích các nước châu Âu dành quá ít ngân sách cho quốc phòng, thậm chí gọi những đồng minh đóng góp chưa đến 2% GDP cho quốc phòng là "vi phạm luật lệ". Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ trước đây cũng từng kêu gọi châu Âu chi trả nhiều hơn.
Theo Velina Tchakarova, chuyên gia thuộc Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo, việc Trump xa rời chủ nghĩa đa phương, kết hợp với việc Mỹ thu hẹp trách nhiệm đối với an ninh châu Âu, đã thúc đẩy châu Âu cân nhắc việc rời xa Mỹ và "tự làm theo cách của mình trên trường quốc tế".
Ánh Ngọc
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com