Công nhân dệt may vẫn đối mặt nguy cơ thất nghiệp cao

KINHTENEWS - Nhu cầu lao động giảm sâu khiến công nhân dệt may đang đối mặt nguy cơ thất nghiệp cao. Cơ hội cải thiện việc làm được kỳ vọng sang năm hoặc lâu hơn.

Báo cáo nhu cầu tuyển dụng quý III và IV của Navigos cho biết, do ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ hai, đa số doanh nghiệp ngành này giảm đáng kể nhu cầu tuyển dụng khiến nhân sự đối mặt nguy cơ thất nghiệp cao.

Trong quý III, công nhân dệt may phải trải qua những khó khăn như giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm lương tại các công ty có quy mô lớn. Những công ty quy mô nhỏ thì áp dụng cắt giảm lương, nhân sự. Một số trường hợp cá biệt phải đóng cửa không hoạt động trong một thời gian.

Sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Đô (Long An) vào tháng 2/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trước đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho biết, do đơn hàng giảm, số công nhân may ở châu Á - Thái Bình Dương bị sa thải, mất việc tạm thời tăng mạnh. Một nữ công nhân dệt may trong khu vực trung bình đã mất ít nhất 2-4 tuần làm việc. Tình trạng bị giảm thu nhập và chậm trả lương cũng diễn ra phổ biến với các công nhân dệt may đang có việc làm trong quý II.

Tại Việt Nam, Navigos cho rằng, sự sụt giảm nhu cầu lao động dệt may là so sức mua tại các thị trường châu Âu và Mỹ giảm. Bên cạnh đó, kể từ tháng 2 đến đầu tháng 10/2020, nhiều doanh nghiệp trong ngành này thay đổi mặt hàng sản xuất, chuyển từ may quần áo sang may khẩu trang, trang phục bảo hộ y tế.

Chia sẻ tại một sự kiện gần đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) ước tính, xuất khẩu dệt may lũy kế 9 tháng đạt 27 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ và sử dụng 3,6 triệu lao động. Do ảnh hưởng của Covid-19, ngành này từ đầu năm đến nay đã trải qua 3 cung bậc.

Thứ nhất, sau dịch ở quý I, ngành bị thiếu hụt nguồn cung, nhiều lô vải phải bay đường vòng mới về đến Việt Nam. Thứ hai, ở quý II, hàng loạt đơn hàng bị giảm sâu, ảnh hưởng nhất là veston, quần tây, sơ mi nam nữ, đầm nữ. Đến thời điểm này, đặt hàng toàn bộ veston, sơ mi giảm 80% và vẫn chưa phục hồi.

Cung bậc thứ 3 là việc phải duy trì, ổn định giờ làm. "Do đơn hàng giảm mạnh, có đơn vị giảm nhiều nhất là đóng cửa 15 ngày để cân đối nguồn hàng", ông Giang cho biết.

Nhìn chung, cơ hội việc làm cho công nhân dệt may hiện chưa nhiều và sẽ phải chờ qua năm sau hoặc lâu hơn để cải thiện. Đại diện VITAS cho rằng, ngành dệt may còn chịu áp lực lớn trong năm 2021, đến khoảng quý III/2022 mới kỳ vọng trở lại trạng thái tương đối bình thường như năm 2019.

Tuy nhiên, trước mắt, điểm sáng trong ngành là một số doanh nghiệp còn duy trì được đơn hàng khẩu trang. "Doanh nghiệp chuyển sang may khẩu trang từ quý I, II và đến nay đơn hàng khẩu trang xuất EU, Mỹ, Nhật vẫn duy trì. Đặt hàng quần áo trong nhà, đồ thun, đồ thể thao quay lại nhanh. Có doanh nghiệp gia công đồ thể thao cho thương hiệu lớn tăng đơn hàng đến 140%", ông Giang cho biết.

Navigos thì dự báo, với xu hướng dịch chuyển dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, ngành dệt may sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tiếp theo.

Theo quan sát của mạng tuyển dụng này, nhờ Hiệp định EVFTA, đã có những công ty, nhà máy dệt đăng ký kinh doanh hoặc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành này đã xuất hiện các nhà đầu tư mở rộng quy mô hoặc mới bước vào thị trường tại Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là khối doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung (Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc), các doanh nghiệp sử dụng tiếng Nhật và một số nhà đầu tư của châu Âu như Đức.

Một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài sẵn có cũng định mở rộng quy mô, chuyển nhà máy hoặc đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất. "Chính vì vậy, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng lớn về nhân sự, trong đó có các vị trí cấp trung và cấp cao", báo cáo đánh giá.

Viễn Thông
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889