KINHTENEWS - Trong số 27.700 căn nhà bị chậm sổ hồng có gần 90% số căn thuộc 7 công ty bất động sản quy mô lớn.
Theo dữ liệu vừa được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cập nhật, ít nhất 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là các doanh nghiệp top đầu thành phố.
Dẫn đầu là Tập đoàn Hưng Thịnh (ghi nhận 7.944 căn), Tập đoàn Novaland (6.118 căn), Công ty Quốc Cường Gia Lai (3.414 căn), Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (1.377 căn), Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (1.092). Ngoài ra, còn có hai công ty bất động sản khác lần lượt 3.489 căn và hơn 1.000 căn.
Theo rà soát của HoREA, trong số 1.000 sổ hồng vừa được Sở Tài nguyên Môi trường tổ chức trao cho đại diện các doanh nghiệp hôm 15/9 vẫn chưa có căn nhà nào thuộc 63 dự án bị treo theo thống kê của Hiệp hội.
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho biết, những dự án này đã bị treo sổ hồng trong khoản thời gian dài, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện, gây hoang mang cho người dân và làm mất an ninh trật tự của thành phố.
"Đây cũng là nỗi đau của người mua nhà vì có những lao động cả đời mới mua được chỗ an cư nhưng đến lúc mất vẫn chưa thấy được bằng chứng thành quả lẽ ra họ xứng đáng được nhận", ông Châu cho hay.
Bất động sản khu đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Ông Châu phân tích, hôm 15/9 lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM công bố, tính đến tháng 8/2020, toàn thành phố đã cấp được 1.558.821 giấy chứng nhận, đạt 97,91%. Thực tế, đây chỉ là số lượng cộng dồn, lũy kế từ năm 1993 đến nay, tính trên tổng số thửa đất của thành phố. Số liệu này không liên quan trực tiếp đến việc đánh giá hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết cấp sổ hồng dự án nhà ở tại Sở Tài nguyên Môi trường.
Với hơn 30.402 căn nhà (nếu tính luôn 2.693 căn hộ officetel) chưa được cấp sổ hồng mà Hiệp hội báo cáo, số lượng nhà chậm cấp sổ hồng chiếm tỷ lệ hơn 72,6%. Kết quả này đặt ra yêu cầu đối với Sở Tài nguyên Môi trường phải rất nỗ lực và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, để thực hiện kịp thời công tác cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM tại buổi trao sổ hồng chiều 15/9 cũng cho biết, nguyên nhân khiến hàng chục nghìn căn nhà (chủ yếu căn hộ chung cư) bị chậm cấp sổ hồng thời gian qua phần lớn do vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất.
Ông Thắng cho hay, UBND TP HCM đã đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc về thẩm định giá đất nhằm xác định nghĩa vụ tài chính. Trong đó, xác định 7 vấn đề cần xử lý. Trước hết là việc tổ chức thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá và thời hạn hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá. Tiếp theo là việc xác định giá đất trong quá khứ; vướng mắc trong các phương pháp xác định giá đất khi thực hiện thẩm định giá; việc định giá đất đối với một số vị trí có lợi thế sinh lợi cao, ở vị trí đắc địa và khó khăn trong việc cấn trừ các khoản chi phí tạo lập đất vào nghĩa vụ tài chính.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường thừa nhận yêu cầu được cấp sổ hồng kịp thời là rất chính đáng và "thấu hiểu" khi người mua nhà đã thanh toán đầy đủ với chủ đầu tư mà vẫn bị chậm cấp sổ hồng.
Ông giải thích, với tư cách là cơ quan đầu mối của công tác cấp sổ hồng, sở luôn xác định mình là người trong cuộc để chủ động đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định thêm, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ giải quyết ngay việc cấp sổ hồng với các dự án đã hoàn chỉnh, còn những vướng mắc phát sinh thành phố sẽ xem xét để giải quyết sớm.
Ông Lê Hoàng Châu nhận xét, cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp sổ hồng các dự án nhà ở thương mại, chỉ vướng tại TP HCM. Điều này thể hiện bất cập trong công tác thực thi pháp luật.
Chủ tịch HoREA cho rằng, UBND TP HCM cần nhanh chóng ban hành quy trình chuẩn về xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định tiền sử dụng đất, để các Sở, ngành phối hợp thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại. Thậm chí, để thúc đẩy việc cấp sổ hồng diễn ra nhanh hơn, UBND TP HCM nên xem xét phân quyền việc ký cấp sổ hồng cho các quận huyện để thay vì chỉ tập trung vào Sở Tài nguyên môi trường gây ách tắc.
Là doanh nghiệp có số lượng nhà ở bị treo sổ hồng nhiều nhất hiện nay, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã kêu cứu với lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM trong một hội nghị về chủ đề Tắc tiền sử dụng đất mới đây.
Ông Dũng giải bày, quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất. Thậm chí, nếu nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất 5-7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất. Tắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất đã khiến cho hàng nghìn khách hàng của Hưng Thịnh, là những người mua nhà vô can phải chịu thiệt thòi vì chưa được cấp sổ hồng.
Trong khi đó, phía Novaland kiến nghị 2 hướng giải quyết cho các dự án bị ách tắc ở khâu tính tiền sử dụng đất dẫn đến người dân bị treo sổ hồng. Phương án thứ nhất, đối với các dự án chưa được định giá, UBND TP HCM và các sở ngành sớm xem xét định giá làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân cư.
Phương án thứ hai, đối với các dự án chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng người dân chưa được xét cấp sổ, đơn vị quản lý nhanh chóng xem xét, giải quyết để sớm ổn định đời sống cho cư dân. Trường hợp các cơ quan kiểm toán, thanh tra đề xuất đóng tiền sử dụng đất bổ sung, doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện để sớm giải quyết các vấn đề tắc sổ hồng gây bức xúc cho cư dân.
Trung Tín
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com