AMRO dự báo Việt Nam tăng trưởng 3,1% năm nay

KINHTENEWS - AMRO chưa tính đến đợt bùng phát ở Đà Nẵng, nhưng vẫn lạc quan vào Việt Nam do kiểm soát dịch tốt và cấu trúc kinh tế thuận lợi.

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) sáng nay công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế các nước ASEAN cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tổ chức này nhận định Covid-19 vẫn đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng trong khu vực. GDP ASEAN+3 năm nay và năm sau được dự báo chỉ tăng 0% và 6%, giảm mạnh so với 4,2% và 5% trong báo cáo tháng 3.

"Chúng tôi dự báo đà phục hồi tại ASEAN+3 sẽ theo hình chữ U và được dẫn dắt bởi Trung Quốc", Hoe Ee Khor – kinh tế trưởng của AMRO nhận xét. 9 trong 14 nền kinh tế thuộc ASEAN+3 được dự báo tăng trưởng âm năm nay. Những nước được kỳ vọng tăng trưởng dương là Trung Quốc, Brunei, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Theo AMRO, GDP Việt Nam được dự báo tăng 3,1% năm nay và 7% năm tới. Tốc độ này giảm mạnh so với báo cáo tháng 3, là 6,6% và 6,8% nhưng vẫn cao nhất khu vực.
Tăng trưởng dự báo của ASEAN+3 và các nước trong khu vực giai đoạn 2019-2021

Khor cho biết dự báo này chưa tính đến đợt bùng phát ca nhiễm mới gần đây tại Việt Nam. Dù vậy, AMRO đến nay vẫn lạc quan về Việt Nam vì đã kiềm chế tốt đại dịch và có 100 ngày không có ca lây nhiễm mới.

"Việt Nam sẽ vẫn làm tốt, vì cấu trúc nền kinh tế khác so với các nước như Thái Lan. Việt Nam không dựa vào du lịch nhiều như Thái Lan. Nhiều ngành sản xuất, như hàng điện tử hay dệt may không chịu nhiều tác động như ngành ôtô. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng may mắn khi có đầu tư nước ngoài lớn và có thể hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn sẽ phải chờ xem diễn biến đợt bùng phát tại Đà Nẵng như thế nào", ông giải thích.

Cuối tháng 7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam tăng trưởng 2,8% năm nay - cao thứ 5 thế giới. Dù vậy, báo cáo này cũng chưa tính đến diễn biến gần đây ở Đà Nẵng.

Báo cáo nhận xét đại dịch đã khiến các nền kinh tế trong khu vực đình trệ, số người thất nghiệp tăng vọt, hoạt động của doanh nghiệp bị gián đoạn và nhu cầu trong nước lao dốc. Lệnh cấm đi lại quốc tế cũng nhấn chìm ngành du lịch rất quan trọng của khu vực.

Các nước vì thế đã tung hàng loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ để kiềm chế đại dịch và giữ nền kinh tế không rơi tự do. AMRO đánh giá cao nhiều nền kinh tế đã kiềm chế tốt đại dịch và chính phủ bắt đầu mở cửa lại. Các số liệu gần đây cho thấy sự cải thiện đáng kể về sản xuất và thương mại của một số nước. Mức độ di chuyển của người dân trong khu vực cũng tăng cao vài tuần gần đây. Dù vậy, việc mở cửa lại khiến số ca nhiễm mới bùng phát ở một số nơi, khiến giới chức tái áp đặt lệnh phong tỏa.

Dự báo của AMRO dựa trên giả thiết đại dịch được kiềm chế cả trong khu vực lẫn toàn cầu. Vì thế, việc các ca nhiễm mới tái xuất tại một số nơi sẽ khiến rủi ro tái phong tỏa tăng cao. Việc này sẽ khiến ASEAN+3 lao đao, dù nhiều nước vẫn còn dư địa nới lỏng tài khóa và tiền tệ.

"Thách thức lớn nhất với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nửa cuối năm sẽ là cân bằng giữa nới lỏng phong tỏa để hồi sinh kinh tế và đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới", Li Lian Ong – Trưởng nhóm Chuyên gia Giám sát Tài chính tại AMRO nhận định, "Xử lý tốt việc ngừng áp dụng các chính sách trong đại dịch sẽ là chìa khóa cho ổn định tài chính khu vực".

Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889