Khôi phục hoạt động sau dịch Covid-19, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

KINHTENEWS - Sáng nay tại TP. HCM, đã diễn ra chương trình Hội thảo "Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch Covid 19". Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức thu hút sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại buổi hội thảo “Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch Covid-19”, bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc ITPC đánh giá, bên cạnh những cơ hội, các FTA cũng đi kèm với một loạt thách thức trong cạnh tranh về thị trường cả ở trong và ngoài nước, cạnh tranh trong thu hút FDI. Cùng với đó là các thách thức chung về môi trường, thể chế, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, thách thức mà tất cả các doanh nghiệp phải vượt qua hiện nay là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.


Theo đó, bà Vân cho rằng, để vận dụng tốt nhất các lợi thế mà FTA đem lại, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường; cập nhật thường xuyên các yêu cầu của thị trường. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện các hoạt động khảo sát thị trường thực tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về các cam kết của FTA để tận dụng hiệu quả nhất các ưu đãi thuế quan, phòng tránh rủi ro.

Luật sư Lương Văn Lý, Cố vấn cao cấp Global Lawyers – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu lên các loại tranh chấp phổ biến có thể xảy ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đó là tranh chấp về hợp đồng thuê mặt bằng, hợp đồng mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, phổ biến nhất là đặt phòng khách sạn, tổ chức tour du lịch; hợp đồng lao động; tranh chấp do các bên gặp khó khăn hiện tại hoặc dự kiến về lưu chuyển tiền tệ, suy giảm đáng kể hoặc mất khả năng chi trả do cách ly, giãn cách xã hội và trường hợp xảy ra do sự cố đột xuất, không lường trước, hậu quả nghiêm trọng, không xác định được thời gian phục hồi…

Ông Lý thông tin, với các loại tranh chấp nêu trên, sẽ gặp một số vướng mắc trong giải quyết đối với doanh nghiệp như là hoãn thực hiện, điều chỉnh hay hủy hợp đồng; nếu giải quyết thì sẽ căn cứ trên cơ sở quy định nào của pháp luật cho phù hợp; tranh chấp đó có được áp dụng điều khoản “bất khả kháng” hay chỉ là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.


Theo ông Lý, các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ xem nội dung về điều kiện “bất khả kháng” trong hợp đồng có quy định trường hợp dịch bệnh cụ thể hay không. Nếu là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, doanh nghiệp cần cân nhắc đưa tranh chấp ra Trọng tài Quốc tế hơn là ra tòa án để giải quyết vì ra tòa án sẽ mất khá nhiều thời gian hơn trọng tài và nhiều yếu tố bất lợi hơn cho cả 2 bên tranh chấp. Phương thức hòa giải cũng nên được quan tâm xem xét thấu đáo, đảm bảo lợi ích các bên và tránh mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu lên một số điểm cần lưu ý cho doanh nghiệp trong thời kỳ hậu dịch Covid 19 là doanh nghiệp cần cải tiến và chú trọng loại hình kinh doanh online vì đây là loại hình kinh doanh mà cả Việt Nam và thế giới đang tiến tới. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra đã chứng minh được tính ưu việt của loại hình kinh doanh này. Luật sư Lê Thành Kính nhấn mạnh doanh nghiệp cần có những bước đột phá hơn trong kinh doanh online nếu không sẽ đi ngược lại xu hướng thị trường. Bên cạnh đó, Luật sư Lê Thành Kính khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục hợp đồng với đối tác cũ và thiết lập hợp đồng với đối tác mới. Theo ông Kính, doanh nghiệp nên tìm kiếm các đối tác mới trong tương lai thay vì phụ thuộc vào một vài khách hàng nước ngoài lớn, đồng thời tiến hành rà soát tình trạng pháp lý hiện tại của doanh nghiệp đối tác.

Ông Kính cũng lưu ý các doanh nghiệp trong trường hợp các đối tác có đơn hàng lớn, quan hệ thương mại lâu dài, thì việc đưa vụ việc thành một tranh chấp pháp lý hay hủy hợp đồng ở giai đoạn này có lẽ là quá sớm, ngoại trừ những vụ việc mà doanh nghiệp nước ngoài là bên mua và đã xác định rõ là mất khả năng chi trả và phá sản hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong trường hợp bắt buộc phải hủy hợp đồng thì cần thiết phải vận dụng và viện dẫn các điều khoản bất khả kháng trong thương mại quốc tế một cách chuẩn xác để tránh rủi ro không đáng có.

Phú Cường.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889