Chiến lược chứng khoán cho 'nhà đầu tư số không'

KINHTENEWS - Các "nhà đầu tư số không" - không am hiểu thị trường, không có kinh nghiệm, không người dẫn dắt - càng cần tính kỷ luật, sự kiên nhẫn khi đầu tư. 

Covid-19 là động lực thúc đẩy nhiều "nhà đầu tư số không" (không am hiểu thị trường, không kinh nghiệm, không người dẫn dắt) tham gia chứng khoán. Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán cũng cho thấy, lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng vọt trong giai đoạn đầu năm với 131.763 tài khoản được mở mới, trong đó phần lớn là của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Dưới đây là những điều mà bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) tin rằng các nhà đầu tư không chuyên cần lưu ý khi tham gia thị trường.

Ai có thể tự đầu tư chứng khoán?

Muốn tự đầu tư chứng khoán cần có hiểu biết về doanh nghiệp, bao gồm triển vọng ngành nghề, chiến lược kinh doanh, tài năng và tính chính trực của đội ngũ quản lý và tình hình tài chính của công ty...

Nguyên tắc đầu tư để có lãi là mua rẻ bán đắt. Vì vậy, bạn cần biết cổ phiếu mà bạn mua xứng đáng giá trị bao nhiêu khi giá rẻ và bán khi giá đắt. Giá trị về mặt lý thuyết của bất kỳ một loại tài sản nào là giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai mà tài sản đó tạo ra.

Vì vậy, bạn cần có khả năng dự báo tương đối dòng tiền công ty có thể tạo ra trong tương lai và định giá dòng tiền tương lai đó ở hiện tại. Hoặc ít nhất bạn cũng cần biết giá cổ phiếu rẻ hay đắt so với tài sản ròng của công ty hay so với lợi nhuận/dòng tiền/cổ tức của công ty trong tương lai.

Sai lầm thường gặp: Tin có thể dự báo thị trường trong ngắn hạn

Rất nhiều người cho rằng mình có khả năng dự báo thị trường và chớp được thời cơ. Vì thế, họ muốn lướt sóng, chớp cơ hội ngắn hạn và giàu lên một cách nhanh chóng. Họ tin mình có thể dự báo đúng thị trường trong một năm, 1-2 tháng hay thậm chí 1-2 tuần tới. Có rất ít người có thể làm được điều này.

Mặc dù giá cổ phiếu về lý thuyết phản ánh khả năng sinh lời của công ty trong tương lai, trong ngắn hạn, nó lại phụ thuộc vào cung, cầu cổ phiếu trên thị trường. Do đó, nó phụ thuộc vào việc đánh giá cổ phiếu đó là rẻ hay đắt, tâm lý nhà đầu tư, nhu cầu thanh khoản của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đó. Không ai có thể dự đoán được tất cả điều này trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn giao dịch VNDIRECT. Ảnh: Hữu Khoa. 

Cũng có thể có một số người giàu lên phút chốc nhờ may mắn mua hoặc bán đúng thời điểm một vài lần, nhưng điều đó giống như tham gia vào các canh bạc may rủi. Bạn có thể thắng trong lần mua bán này, nhưng cũng có thể mất rất nhiều vào lần khác, đặc biệt khi bạn không biết đang mua bán cái gì, đáng giá giá trị bao nhiêu.

Đầu tư dài hạn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Nếu muốn sinh lời từ đầu tư chứng khoán, bạn cần xác định đầu tư dài hạn, dài hạn ở đây không phải là một hay hai năm mà thậm chí 5 – 10 năm hay hơn thế nữa. Mặc dù có thể sinh lời sớm hơn nếu thuận lợi, không ai dự đoán trước được thị trường sẽ biến động thế nào trong thời gian ngắn. Cần xác định đầu tư dài hạn để khi có sự kiện bất lợi xảy ra, bạn không phải bán tháo với giá rẻ mà có khả năng chờ đợi thị trường hồi phục. Về mặt lý thuyết, các bạn không nên đầu tư cổ phiếu nếu không sẵn sàng nắm giữ ít nhất 5 năm.

Cách tốt nhất để xác định thời gian đầu tư là bạn xác định rõ mục tiêu tài chính trong một khung thời gian nhất định, tình hình tài chính hiện tại cũng như thu nhập có thể tiết kiệm được trong tương lai.

Ví dụ, bạn mới đi làm và đã tiết kiệm được 100 triệu đồng, mỗi tháng tiết kiệm thêm 10 triệu đồng. Bạn sẵn sàng đầu tư toàn bộ số tiền này cho mục tiêu mua nhà sau 10 năm. Nếu gửi tiết kiệm với lãi suất 7% một năm, bạn sẽ mua được căn nhà 1,9 tỷ đồng sau 10 năm nữa. Nếu đầu tư cổ phiếu và may mắn có được lợi nhuận 15% một năm, bạn có thể mua được căn nhà hơn 3,1 tỷ đồng sau 10 năm hoặc có thể mua được căn nhà 1,9 tỷ đồng trong thời gian sớm hơn, ví dụ 7,5 năm, thậm chí sớm hơn nếu thị trường thuận lợi hơn.

Lợi nhuận đi kèm với rủi ro. Bạn cần xác định mức độ rủi ro mình sẵn sàng chấp nhận. Nếu thị trường không thuận lợi, bạn thậm chí chỉ mua được căn nhà 1 tỷ đồng hoặc thấp hơn nữa. Bạn cần xác định tâm lý giữa niềm vui khi có được căn nhà 3,1 tỷ với nỗi buồn khi chỉ mua được căn nhà 1 tỷ, để xem khả năng chấp nhận rủi ro của mình đến đâu.

Tuy nhiên lựa chọn công ty tốt và kiên nhẫn chờ đợi sẽ giúp bạn giảm được rủi ro này. Tâm lý nhà đầu tư hay so sánh lợi nhuận đầu tư với lãi suất ngân hàng hàng năm. Lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán không đến đều đặn như gửi tiết kiệm. Càng nhìn vào các biến động ngắn hạn, rủi ro càng tăng cao với bạn. Bạn có thể phải chờ đợi nhiều năm không có lợi nhuận hay thậm chí bị lỗ cho tới khi cổ phiếu bạn nắm giữ tăng gấp đôi hoặc hơn thế nữa, tất nhiên phải là cổ phiếu được định giá rẻ hoặc và có lợi nhuận tăng trưởng tốt. 

Đa dạng hóa danh mục

Bạn không nên đầu tư chứng khoán theo kiểu "được ăn cả, ngã về không", tức là mua tập trung vào một ngành, hay một vài cổ phiếu. Bạn có thể hiểu rất rõ về ngành hay cổ phiếu đó, tin vào tương lai tươi sáng của công ty nhưng mọi thứ đều có thể xảy ra. Nếu bạn chỉ đầu tư vào một, thậm chí vào một vài cổ phiếu, khi có một sự kiện bất lợi xảy ra, danh mục của bạn có thể bị giảm rất nhiều. 

Cân nhắc quỹ đầu tư 

Nếu không có khả năng làm tất cả các điều trên, bạn nên lựa chọn đầu tư vào các quỹ cổ phiếu. Quỹ cổ phiếu được quản lý bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thời gian, kiến thức, có khả năng định giá cổ phiếu và đầu tư đa dạng vào một danh mục gồm nhiều cổ phiếu của nhiều ngành khác nhau giúp giảm thiểu rủi ro khi thị trường không thuận lợi.

Tuy nhiên, nhược điểm là mức lợi nhuận qua kênh này sẽ không thể bằng khi bạn tự đầu tư.
Giá trị được tạo ra lớn nhất là từ thời gian. Bạn nên đầu tư càng sớm càng tốt. Như nhà đầu tư thiên tài Warren Buffett đã nói, bạn không nên đợi để đầu tư cổ phiếu mà hãy đầu tư cổ phiếu và đợi. Tất nhiên bạn cần phải chọn đúng cổ phiếu để mua và chờ đợi.

Quỳnh Trang
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889