Cách Be sống sót trên thị trường gọi xe cạnh tranh

KINHTENEWS - "Miếng bánh" gọi xe công nghệ ngày càng có nhiều cái tên góp mặt buộc Be phải cải thiện tính năng, đa dạng dịch vụ và đầu tư cho đội ngũ lái xe.

Dưới tác động của Covid-19, một cuộc "sàng lọc" quy mô lớn đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực. Các startup công nghệ Việt cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Trên thị trường gọi xe và giao hàng công nghệ, làn sóng chịu tác động của Covid-19 chưa rõ ràng nhưng phần nào cho thấy sự thay đổi trong hoạt động của các hãng xe và nhu cầu khách hàng.

Be - top 3 ứng dụng gọi xe tại Việt Nam bắt buộc có những bước đi khác trong chiến lược kinh doanh. Khi mà bối cảnh ngành gọi xe đang có nhiều thay đổi và cạnh tranh khốc liệt, Be vẫn chứng tỏ sự tồn tại của mình bằng chính sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch mở rộng trong tương lai. Việc trụ lại được đại diện doanh nghiệp lý giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, tiềm lực tài chính mạnh để cạnh tranh với những ông lớn khác như Grab hay Go Jek đã giúp Be sống sót.

Be có khoảng 65.000 tài xế hoạt động thường xuyên.

Tuy nhiên tiền không phải lời giải cho mọi bài toán. Theo đại diện BeGroup, giống như những nền tảng khởi nghiệp khác, BeGroup cũng phải trải qua quãng thời gian đau đầu với bài toán tìm tài xế, kêu gọi người dùng, sửa lỗi ứng dụng, cập nhật bản đồ hay giải quyết khiếu nại khách hàng. Nhờ không ngừng cải thiện ứng dụng, tới nay việc tổ chức vận hành cho 65.000 tài xế online, giải quyết hơn 350.000 yêu cầu đặt xe mỗi ngày từ hơn 6,5 triệu khách hàng cài đặt ứng dụng đã là việc đơn giản với đội ngũ kỹ sư người Việt của Be.

Tận dụng thời gian giãn cách xã hội, ứng dụng Be phát triển thêm tính năng mới là lựa chọn nhiều điểm dừng, thay đổi điểm đến, đặt xe hộ. Đến nay nền tảng gần như hoàn chỉnh với nhiều tính năng như di chuyển, giao hàng, đi chợ hộ, đi tỉnh 2 chiều, thuê theo giờ và cả bán vé xe khách.

Be hiện cho phép thanh toán qua thẻ tín dụng, ví điện tử SmartPay và sắp tới là MoMo (đơn vị có thị phần ví điện tử lớn nhất Việt Nam). Không quá lời khi nói, ứng dụng be là một đại diện sáng giá của xu hướng mobility (công nghệ di động) tại Việt Nam sau thời gian dịch bệnh.

Một chuyên gia nhìn nhận rằng các startup phải tạo ra các giá trị thực thông qua mô hình kinh doanh và sản phẩm sản phẩm hữu ích mới có thể tồn tại về lâu dài, dù lượng người dùng trong ngắn hạn có đóng góp quan trọng. Việc chạy đua theo tăng truởng có thể giết chết bất kỳ doanh nghiệp nào, điển hình là câu chuyện của WeFit.

Nhìn ở khía cạnh này, các doanh nghiệp nội còn sở hữu lợi thế là bộ máy gọn nhẹ, chỉ ở Việt Nam nên các đối sách, thử nghiệm liên quan sẽ được thực hiện nhanh hơn so với những ông lớn đa quốc gia. Vào cuối năm ngoái, be đã từ bỏ cuộc chơi giao nhận đồ ăn để tập trung cho những mục tiêu chính.

Be tập trung vào chăm sóc tài xế và khách hàng.

BeGroup nhận định tiềm năng của người dùng số Việt Nam trong tương lai còn rất lớn, đủ sức trở thành bệ phóng cho các ứng dụng nội địa phát triển thành hệ sinh thái. Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam trong năm ngoái ước đạt khoảng 12 tỷ USD, trong đó quy mô thị trường gọi xe công nghệ là khoảng 1 tỷ USD còn lại là thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến.

Quy mô này sẽ còn tăng lên nhanh chóng, nhưng sẽ ở dạng bán chéo sản phẩm. Trong đó, các ứng dụng gọi xe trong tương lai sẽ phát triển thành các nền tảng mở, liên kết với nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vận tải đến du lịch, giải trí,... và cả tài chính.

Do đó, đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường đối với các startup công nghệ Việt, mà còn là cơ hội chuyển mình dành cho các doanh nghiệp khác muốn tham gia hệ sinh thái mở của ngành công nghệ gọi xe.

"Việc sở hữu thị trường nội địa, hiểu người dùng, điều chỉnh chính sách nhanh, ra mắt sản phẩm phù hợp sẽ giúp tăng khả năng sống sót của các startup nội địa. Tăng năng lực về công nghệ cũng là nhân tố giúp startup tìm được đồng minh trên con đường phát triển thành các nền tảng mở", đại diện BeGroup nhận định.

Thành Dương
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889