KINHTENEWS - Dịch COVID-19 'tràn' qua đã đẩy hàng chục nghìn lao động vào tình cảnh thất nghiệp. Tuy vậy theo TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân công đoàn - con số trên chưa phản ánh đầy đủ.
Theo nhận định của các chuyên gia, dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19 - Ảnh: T.V.N.
Theo TS Vũ Minh Tiến - số lượng lớn lao động mất việc trong khu vực kinh tế không chính thức, kinh tế hộ gia đình hiện không thống kê được.
Trong lúc người lao động chờ được hỗ trợ đến khi kinh tế hồi phục, ông Tiến cũng cho rằng đây là cơ hội để tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao kỹ năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để hướng tới một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới.
Ông Tiến chia sẻ: Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp có quy định việc đào tạo nghề cho lao động và trong lúc dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp có nguồn lực đã chọn cách hỗ trợ, tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đây cũng là một biện pháp để doanh nghiệp giữ chân lao động, chờ tới thời điểm kết thúc dịch là đẩy mạnh sản xuất để bù lại tăng trưởng.
Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thiếu thốn nguồn lực nên Chính phủ hoàn toàn có thể hỗ trợ người lao động đi đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển nghề khác phù hợp hơn.
TS Vũ Minh Tiến
* Các địa phương, khu vực doanh nghiệp nào đang có tỉ lệ lao động mất việc cao trong thời gian qua, thưa ông?
- Hàng loạt doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, giãn việc hoặc cho thôi việc tăng nhanh từ sau tết đến nay khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn nhưng tới nay chưa có con số thống kê cuối cùng về số lao động mất việc, thất nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, một số địa phương có tỉ lệ mất việc, thất nghiệp, buộc phải giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương cao là Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Cần Thơ.
Xét theo khu vực kinh tế thì lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề, có tỉ lệ mất việc cao hơn. Khu vực này đã cho người lao động nghỉ không lương rất nhiều bởi người lao động làm việc trong khu vực này thường không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó khăn. Con số lao động mất việc trong khu vực phi chính thức rất lớn nhưng rất khó để thống kê đầy đủ, ví dụ cả một phố hàng Gai, Hà Nội buôn bán sầm uất thế mà giờ có hàng chục cửa hàng đóng cửa, dừng kinh doanh, kéo theo nó là hàng trăm lao động mất việc làm.
Còn người lao động làm việc trong khu vực chính thức, trong các doanh nghiệp vừa và lớn đều có chế độ bảo hiểm thất nghiệp, sẽ đỡ khó khăn hơn. Chủ các doanh nghiệp này cũng có tiềm lực hơn, có dự trữ nguyên liệu để duy trì sản xuất ở mức nào đó.
Không chỉ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch khó khăn buộc phải sa thải nhân viên. Hai ngành công nghiệp có tính gia công cao, sử dụng nhiều lao động như dệt may và lắp ráp điện tử cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Các doanh nghiệp hoạt động trong 2 lĩnh vực này khó cả đầu ra lẫn đầu vào vì thiếu nguyên liệu đầu vào và khó xuất khẩu hàng hóa đầu ra.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, điện tử chỉ có thể cầm cự được hết tháng 3, sang đầu tháng 4 sẽ rất khó khăn thiếu nghiêm trọng nguyên vật liệu đầu vào. Vì vậy, nếu không sớm tìm cách khắc phục, số lao động bị mất việc trong 2 ngành này thời gian tới sẽ tăng đột biến.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động trong thời gian qua - Ảnh: T.T.D.
* Theo ông, cần có giải pháp gì để hỗ người lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19?
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên kế hoạch khảo sát đánh giá tác động của dịch bệnh đến đời sống, việc làm của công nhân để báo cáo Chính phủ kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó.
Trước mắt cần giúp người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi, được hưởng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm giới thiệu việc làm công cần hỗ trợ tối đa để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác, đôi khi đó chỉ là công việc tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh. Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh, vì thế người lao động có thể tìm được công việc tạm thời như tham gia vận chuyển hàng hóa.
Từ phía chủ doanh nghiệp, nếu có khả năng nên chia sẻ về mặt kinh tế với những người mất việc làm bên cạnh các chính sách chi trả theo quy định như tự nguyện thỏa thuận hỗ trợ người lao động mất việc như hỗ trợ một nửa tháng lương, tiền tàu xe về quê, hay bất kỳ khoản chi phí nào khác cho cuộc sống của lao động thất nghiệp. Cuối cùng, mỗi người lao động cần chủ động trong tìm kiếm công việc mới phù hợp, đây là giải pháp tốt nhất vì suy cho cùng phải có việc làm mới tạo ra thu nhập.
Trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm, còn người lao động phải nỗ lực tìm kiếm công việc mới, chủ lao động bản thân họ cũng khó khăn nên chỉ hỗ trợ được phần nào, trong khả năng cho phép.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn các địa phương cũng đang khảo sát, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của công nhân để kiến nghị giải pháp hỗ trợ cụ thể. Nhiều công đoàn cơ sở đã chủ động trao đổi với chủ doanh nghiệp để thực hiện giảm giờ làm xuống còn 6-8 giờ/ngày, cho người lao động được nghỉ theo chế độ giảm lương hoặc được hưởng mức lương cơ sở để ở nhà trông con. Bên cạnh sự vào cuộc của công đoàn cơ sở, nhiều chủ doanh nghiệp cũng rất chia sẻ với người lao động trong lúc khó khăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-3, ông Nguyễn Bá Hoan - chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH - cho biết bộ đang tổng hợp số liệu lao động chịu ảnh hưởng, mất việc làm tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước để báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp sáng nay (18-3). Sau cuộc họp này, bộ sẽ công bố chính thức số lao động bị ảnh hưởng, lao động mất việc trong thời gian qua.
Người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tìm việc tại văn phòng của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tại bến xe Miền Tây - Ảnh: VŨ THỦY
Ông Phạm Anh Thắng (trưởng đại diện văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM):
Đã có những quy định cụ thể
Ông Phạm Anh Thắng
Vì dịch bệnh mà người lao động phải ngừng việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Còn trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người lao động theo quy định pháp luật. Trường hợp này thì mức trợ cấp thôi việc cho người lao động là mỗi năm 1/2 tháng lương đối với người lao động làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên.
Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc theo quy định hiện hành do người sử dụng lao động chi trả. Còn trợ cấp thất nghiệp là trợ cấp được chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức trợ cấp thất nghiệp bằng bình quân tiền lương 6 tháng liền kề mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp x 60%. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 3 tháng. Sau đó cứ mỗi 1 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tổng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 12 tháng. Quy định như vậy nhằm hỗ trợ để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Ông Đặng Quốc Hùng (giám đốc Công ty mỹ nghệ Kim Bôi):
Vất vả tìm việc cho người lao động
Ông Đặng Quốc Hùng
Doanh nghiệp chúng tôi đang rất vất vả để tìm việc cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, mọi thứ đều đình trệ. Nếu không tìm việc cho họ và trả lương đầy đủ thì sau này rất khó nói chuyện một khi mọi thứ ổn định trở lại. Tôi có nghe thông tin có lao động bị từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh với lý do chủ doanh nghiệp chậm nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian này mà buồn quá. Bản thân doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng không ai để cho nguồn nhân lực của họ rơi vào tình cảnh như vậy đâu.
Dịch COVID-19 đến quá nhanh khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh ngoài ý muốn. Do đó, các chính sách hoãn, giãn hoặc chậm nộp một vài khoản nộp bắt buộc mà Chính phủ vừa công bố phần nào đã giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn tiền chi trả cho người lao động, giữ chân họ qua cơn khốn khó này.
Ông Trần Việt Anh (tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn):
Giai đoạn quan trọng giữ chân người lao động
Ông Trần Việt Anh
Đây là giai đoạn rất quan trọng để giữ chân công nhân nên các chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cần phải được "mở", nếu không khi dịch qua đi thì việc tìm lại nguồn lao động để tiếp tục duy trì sản xuất lại càng khó khăn hơn.
Chính vì thế, việc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng dù đã có chủ trương nhưng tôi thấy rằng, để thực thi được nó vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cơ quan chức năng cần thúc đẩy nhanh các thủ tục hướng dẫn, cũng như phát tín hiệu cho đồng bộ để ở trên lẫn ở dưới đều có sự liên thông khi thực hiện.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:
Đào tạo lại để làm tốt hơn
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh
Đối với người lao động mất việc, thất nghiệp tạm thời thì thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, còn lại hỗ trợ thông qua chính sách tạo việc làm thay thế tạm thời có tính thời vụ 6 tháng đến 1 năm trong thời gian chờ dịch qua.
Chính phủ cần có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho lao động có nhu cầu trong thời gian thất nghiệp để họ có cơ hội việc làm tốt hơn sau khi hết dịch, bước vào thời kỳ kinh tế phục hồi. Trong trung và dài hạn là phải có chiến lược cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Gián tiếp hỗ trợ qua doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quang Đồng
Thời gian qua Chính phủ đã hỗ trợ gián tiếp người lao động thông qua giảm thuế, phí, giảm tiền thuê đất và cắt phí cho doanh nghiệp. Trong trung hạn có thể xét giảm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài cho hộ cá nhân, cho một số ngành thiệt hại nặng như du lịch, dịch vụ giải trí, ăn uống.
Chính phủ có thể thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động thông qua 2 công cụ là điều tiết thuế, phí và sử dụng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong dài hạn cần sử dụng quỹ này hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng.
P.V
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com