KINHTENEWS - VNS có chuỗi giảm mạnh liên tiếp từ đầu tháng 12 khiến thị giá giảm gần 40% so với đầu năm.
Chốt phiên giao dịch 12/12, cổ phiếu VNS của Công ty cổ phần Ánh Dương (Vinasun) giảm 6,9% so với tham chiếu, còn 9.780 đồng. Đây là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của VNS, kéo cổ phiếu này xuống đáy từ khi niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán TP HCM vào giữa năm 2008. Cổ phiếu hiện cách xa vùng giá trên 30.000 đồng từng được xác lập trong khoảng khoảng thời gian dài, trước khi công ty chịu sự cạnh tranh của các hãng taxi công nghệ.
Thanh khoản những phiên giao dịch gần đây tăng vọt, trong đó hơn 90% đến từ việc khối ngoại bán ròng. Điển hình như khối lượng giao dịch phiên hôm qua xấp xỉ nửa triệu đơn vị, trong khi thanh khoản bình quân từ đầu năm đến trước tháng 12 chưa đến 1.000 đơn vị mỗi ngày.
Theo nhận định của ông Đặng Trần Phục - Trung tâm tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, cổ phiếu VNS đang bị tác động rất mạnh bởi cung cầu ngắn hạn. Việc thắng kiện Grab, hay SSI tăng sở hữu và một số quỹ ngoại trước đó muốn trở thành cổ đông... là những thông tin tích cực cho dài hạn. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi được trạng thái hiện tại trước áp lực bán bằng mọi giá của nhà đầu tư nước ngoài.
"VNS đang giao dịch với P/E trailing bốn quý gần nhất là 5,3, thấp tương đối so với P/E lịch sử của cổ phiếu này. Bên cạnh đó, công ty đang sở hữu gần 300 tỷ đồng tiền mặt so với mức vốn hoá khoảng 700 tỷ đồng. Hai yếu tố nay được xem là khá hấp dẫn cho những nhà đầu tư có ý định tăng sở hữu tại đây", ông Phục phân tích.
9 tháng đầu năm, Vinasun có kết quả kinh doanh khá tích cực với doanh thu 1.550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 94 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,4% và tăng 73% so với cùng kỳ. Trong khi đó, cổ phiếu đã giảm gần 40% từ vùng giá 17.400 đồng hồi đầu năm. Diễn biến trái ngược này phản ánh tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.
Điển hình như Vinasun chưa cho thấy giải pháp hữu hiệu thực sự nhằm đối phó với Grab và các doanh nghiệp tương tự để thúc đẩy tăng trưởng trở lại. Cơ cấu lợi nhuận có 60-90% đến từ lợi nhuận khác, cụ thể là thanh lý tài sản và quảng cáo trên taxi. Trong bối cảnh đội xe của Vinasun ngày càng co hẹp thì giá trị thanh lý cũng sẽ giảm dần. Điều này thể hiện một phần trên khoản mục tài sản cố định nguyên giá giảm liên tục, đầu năm nay là 3.735 tỷ đồng thì đến 30/9 chỉ còn gần 3.270 tỷ đồng. Nguồn thu quảng cáo cũng có thể đi xuống khi xu hướng chuyển dịch sang các kênh khác như Facebook, Google, Zalo...
"Sự suy giảm kết quả kinh doanh của Vinasun được kết hợp của nhiều yếu tố khách quan bất lợi và chủ quan chính trong doanh nghiệp. Ví dụ khách quan là xu thế phát triển của hình thức gọi xe công nghệ. Xuất phát từ doanh nghiệp là việc ban lãnh đạo dường như chưa đánh giá hết sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới và thay đổi tương đối chậm để thích ứng", đại diện trung tâm phân tích của VNDIRECT nhận định.
Thiên Ngân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com