KINHTENEWS - Được mệnh danh là thánh địa của những chiếc xe địa hình, Đồng Mô hội tụ mọi yếu tố nhằm thử thách những chiếc xe gầm cao mạnh mẽ nhất.
Chiếc Ford Ranger phiên bản Wildtrak trên đường tiến vào những thử thách tại Đồng Mô, nơi quen thuộc tổ chức những cuộc thi offroad tầm cỡ tại Việt Nam. Tại đây, khả năng của Ranger, từ kỹ năng leo trèo đến đua tốc độ trên địa hình đất đồi, dốc cao, gập ghềnh sẽ được phô diễn tối đa.
Bãi đất trống trên đỉnh đồi là nơi Ranger Wildtrak thử nghiệm khả năng bám đường với hàng loạt công nghệ hỗ trợ tiên tiến như: phanh ABS/ EBD, hệ thống cân bằng điện tử ESP, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đổ đèo, kiểm soát chống lật xe, kiểm soát lực kéo DTC
Ford Ranger là dòng xe bán tải có nhiều tùy chọn nhất Việt Nam với 7 phiên bản. Giá khởi điểm từ 616 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Phiên bản Ranger Wildtrak có giá bán 918 triệu đồng. Xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Ford Ranger Wildtrak phiên bản mới sử dụng động cơ 2.0 Bi-turbo (tăng áp kép). Công suất cực đại 213 mã lực tại tua máy 3.750 vòng/ phút. Sức kéo tối đa 500Nm từ 1.750 2.000 vòng/ phút. Hệ dẫn động hai cầu bán thời gian (4WD) và khóa vi sai cầu sau. Hộp số tự động 10 cấp.
Sang bản mới, Ford bỏ máy 3.2 turbo đơn cũ, thay vào đó là loại 2.0 bi-turbo. Quan niệm về động cơ nhỏ trên xe tải không đủ sức kéo như máy lớn không còn chính xác. Kinh nghiệm làm động cơ xăng tăng áp EcoBoost giúp hãng xe Mỹ phát triển hoàn thiện cỗ máy mới cho động cơ diesel.
Sức kéo đạt tối đa 500 Nm ngay ở vòng tua 1.750-2.000 vòng/phút. Đồng nghĩa với việc, chỉ cần hơi sâu ga, xe đã sẵn sàng sung sức. Bản 3.2 chỉ đạt 470 Nm.Tốc độ ở các dải vòng tua sau cũng được bồi đắp khi công suất lên ngưỡng 213 mã lực tại 3.750 vòng/phút. Trước đó, bản 3.2 là 197 mã lực.
Thiết kế bộ tăng áp kép trên Ranger Wildtrak độc đáo so với đối thủ cùng phân khúc. Một turbo nhỏ hoạt động ở dải tua máy thấp và turbo lớn hơn được kích hoạt khi ở tua máy cao. Công nghệ Bi-turbo giúp xe hạn chế hiện tượng turbo-lag cố hữu trên động cơ tăng áp, đồng thời tăng sức mạnh đáng kể cho động cơ.
So với phiên bản cũ, Ranger Wildtrak 2.0 Bi-turbo được trang bị thêm nhiều tính năng và sức mạnh vượt trội trong khi giá bán không đổi. Thiết kế của bên ngoài của Ranger mới có những thay đổi nhẹ. Mặt ca-lăng gọn gàng hơn, nhưng vẫn giữ vẻ chắc khoẻ của một chiếc bán tải. Phiên bản Wildtrak trang bị đèn xenon HID, tích hợp đèn LED chạy ban ngày.
Ngoài thay đổi về động cơ thì hộp số tự động 10 cấp mang đến những cảm giác mới. Ở phiên bản cũ lắp hộp số 6 cấp, tốc độ 100km/h tua máy ngưỡng 2.000 vòng/ phút thì hộp số 10 cấp chỉ đạt 1.450 vòng/ phút. Ở tốc độ này, hộp số chỉ mới lên được số 8, tức còn 2 cấp số nữa. Hiệu năng của hộp số mới rõ ràng với bước chuyển số mượt mà khó nhận ra.
Ranger Wildtrak có ba chế độ cài cầu. Nếu trên đường nhựa thông thường, chế độ 2H là tối ưu, xe dẫn động cầu sau. Địa hình độ bám kém chọn 4H với lực kéo ở cả hai cầu, tốc độ cao. 4L dùng trong trường hợp đi chậm, cần sức kéo lớn để vượt qua địa hình xấu như bùn lầy hoặc chướng ngại vật lớn. Lúc này, vi sai trung tâm khóa để hai cầu cùng nhận lượng mô-men xoắn như nhau. Trong trường hợp bánh sau một bên có độ bám kém, người lái có thể sử dụng nút khóa vi sai cầu sau để vượt qua địa hình.
Ranger Wildtrak ngập tràn công nghệ an toàn so với các đối thủ. Ngoài ra, hãng xe Mỹ trang bị thêm tính năng kiểm soát hành trình chủ động duy trì khoảng cách, cảnh báo lệch làn, hỗ trợ giữ làn, cảnh báo va chạm phía trước Những tính năng thường chỉ xuất hiện ở dòng xe hạng sang cao cấp.
Ford Ranger Wildtrak sinh ra để định nghĩa thế nào là một chiếc bán tải full options. Ranger là dòng xe có doanh số bán tốt nhất phân khúc bán tải và thường trực trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam. Hiện tại, Ranger vẫn đứng đầu phân khúc bán tải kể từ đầu năm đến nay, với doanh số cộng dồn hơn 9,000 xe.
Tuấn Vũ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com