KINHTENEWS - Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may niêm yết trên sàn chứng khoán giảm 13,8% trong 9 tháng đầu năm.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, hơn một nửa doanh nghiệp dệt may niêm yết có mức tăng trưởng âm do số lượng, quy mô đơn hàng giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa lắng dịu. Tâm lý lo ngại bất ổn khiến hầu hết thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, tiền đồng đi ngang kể từ đầu năm trong khi đồng nội tệ của các nước đối thủ về dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan mất giá mạnh hơn khiến xuất khẩu dệt may của Việt Nam thêm bất lợi.
Đây là các yếu tố chính khiến tổng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một công ty may tại Hưng Yên. Ảnh: QH
Công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG) là doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất trong số này với 13,6%. Còn doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) kém 950 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Điểm sáng của dệt may Việt Nam trong giai đoạn này là gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Dệt may xuất khẩu vào thị trường này mang về hơn 11,2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH)... nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm nên cải thiện được biên lợi nhuận gộp.
"Dệt may Việt Nam sẽ trở lại đà tăng trưởng tốt nhờ lợi ích đáng kể từ các hiệp định thuơng mại tự do. Việc đa dạng điểm đến xuất khẩu cũng giúp ngành giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đảm bảo triển vọng tươi sáng trong bối cảnh bất ổn có thể kéo dài", đại diện VnDirect dự báo.
Phương Đông
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com