KINHTENEWS - Hồ sơ đề xuất cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê của Chính phủ bị đánh giá là "sơ sài", chưa đánh giá kỹ tác động.
Tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư thay mặt Chính phủ trình bày Dự Luật Đầu tư (sửa đổi), với nội dung đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự luật này là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, không nên cấm. Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong quá trình thẩm tra dự luật, đa số ý kiến của Uỷ ban đều cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với các quy định pháp luật.
Dịch vụ đòi nợ thuê có những biến tướng, lạm dụng là do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện hoạt động. Vì thế, ông Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị không nên cấm. Thay vào đó, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ.
Nêu quan điểm không ủng hộ dịch vụ đòi nợ thuê, nhưng bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trước khi muốn cấm, bỏ ngành nghề nào thì phải có đánh giá tác động kỹ. Trong khi đó, tại hồ sơ dự luật sửa đổi trình sang, phần đánh giá tác động lại khá sơ sài, chỉ có chục dòng và chủ yếu dẫn việc dịch vụ kinh doanh đòi nợ không đúng khuôn khổ pháp luật, để xảy ra một số vụ việc phức tạp.
"Hiện ngành nghề này được quy định trong nghị định, nên cần phải đánh giá những quy định trong nghị định có phù hợp không và có phải nguyên nhân gây ra hiện tượng phức tạp như vừa qua. Từ việc đang cho phép kinh doanh sang cấm kinh doanh thì cần đánh giá kỹ", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình Luật Đầu tư (sửa đổi) tại phiên họp 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Dự Luật Đầu tư (sửa đổi) bỏ 12 ngành, nghề, sửa 19 và bổ sung 6 ngành nghề vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện lần này có những ngành mới lần đầu được đưa vào như: cơ sở cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AIDS, cơ sở chăm sóc người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em...
Trước đề xuất này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều yêu cầu "cân nhắc kỹ". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy định người già phải có bằng đại học, chứng chỉ được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cấp hay yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện y tế... sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các cơ sở.
"Cái nào bất hợp lý ta bỏ, thực sự cần thiết ta bổ sung nhưng đừng mở rộng thêm những danh mục mà xã hội đã tồn tại, không ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh. Quy định điều kiện sẽ làm tăng thêm rào cản, nhất là những việc từ thiện, thiện nguyện mà nhân dân đang làm", bà Ngân nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn khi Chính phủ lại đưa thêm các ngành nghề có khía cạnh từ thiện vào danh mục có điều kiện. Ông ví dụ, chủ một cơ sở nuôi mấy chục trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa chỉ có bằng trung cấp y, rất có thể sẽ phải đóng cửa vì quy định này.
Dự Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào 21/10 tới.
Anh Minh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com