Moody's có thể hạ tín nhiệm Việt Nam

KINHTENEWS - Moody’s cho biết có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nhưng Bộ Tài chính khẳng định việc xem xét này là "không phù hợp" .

Thông báo việc xem xét hạ tín nhiệm được đưa ra sau khi Moody’s nhận được thông tin chính phủ Việt Nam hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Dù đến nay, thông tin họ nhận được cho thấy các chủ nợ sẽ gần như không thiệt hại hoặc chỉ thiệt hại tối thiểu. Khoảng trống về điều tiết khiến việc thanh toán bị chậm lại có thể phản ánh mức tín nhiệm hiện tại không còn tương thích với mức xếp hạng Ba3.

Trong quá trình xem xét, Moody’s sẽ đánh giá các hoạt động và hệ thống mà chính phủ thực hiện nhằm đảm bảo việc thanh toán các nghĩa vụ suôn sẻ, kịp thời và đúng đắn. Moody’s dự báo hoàn tất việc này trong vòng 3 tháng.

Trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ của Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở Ba1. Mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi và trái phiếu bằng nội tệ vẫn là Baa3.

Moody’s cho biết việc hoãn thanh toán cho thấy điểm yếu về thể chế. Những điểm yếu này dường như phản ánh khoảng trống về điều tiết và lập kế hoạch giữa các cơ quan trong chính phủ, cũng như thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và suôn sẻ.

Công nhân trong một nhà máy may tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Reuters

Dù việc Việt Nam có dự trữ ngoại hối lớn và nghĩa vụ nợ thấp cho thấy đủ khả năng trả nợ, quá trình xem xét sẽ giúp Moody’s chắc chắn liệu điểm yếu thể chế vừa bộc lộ này có làm tăng rủi ro lỡ hẹn thanh toán trong tương lai hay không. Moody’s sẽ làm rõ bản chất và tính hiệu quả của các biện pháp và quá trình mà Chính phủ đã và đang thực hiện để đảm bảo thanh toán kịp thời, đầy đủ với tất cả nghĩa vụ nợ.

Dù vậy, hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam vẫn sẽ được củng cố nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh. Khi không có các cú sốc kinh tế lớn hoặc nợ bất chợt, Moody’s dự báo nợ của Việt Nam vẫn ổn định, dưới 50% GDP. Trong khi đó, dù sức khỏe tài chính của các nhà băng đã cải thiện gần đây, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn rủi ro chính với Việt Nam.

Moody’s cũng đề cập đến các rủi ro về môi trường và quản trị với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hãng đánh giá quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp.

Moody’s sẽ hạ tín nhiệm của Việt Nam nếu quá trình xem xét kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ trong tương lai. Ngược lại, họ sẽ giữ nguyên nếu tìm được bằng chứng rằng các biện pháp rõ ràng và hiệu quả được thực hiện, tạo ra sự tự tin rằng tất cả khoản nợ đều sẽ được thanh toán suôn sẻ và kịp thời.

Trong thông cáo phát đi cuối ngày 10/10, Bộ Tài chính khẳng định, việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ, bỏ qua các nỗ lực Việt Nam đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô, theo Bộ Tài chính, là không phù hợp.

Bộ Tài chính nêu rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính, phủ và Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.

"Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ", cơ quan này nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong trả nợ. 

Bên cạnh đó, việc Moody’s đưa ra thông tin trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây hiểu lầm không đáng có với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ Tài chính cho biết sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác.

Nói với VnExpress, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc thanh toán chậm không phải là không có tiền. Việt Nam có dự trữ lớn, cao hơn mục tiêu đặt ra và năm qua cũng chi tiêu thấp hơn nữa. Theo ông, vấn đề nằm ở là sự chậm trễ trong sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và đây là mấu chốt Việt Nam cần tập trung cải thiện. 

PGS TS Nguyễn Quốc Khắc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng bởi ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của nền kinh tế và thị trường tài chính, tác động đến dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam. Bởi vậy, ông cho rằng, các cơ quan quản lý nên sớm chủ động công bố thông tin, làm việc, giải thích rõ ràng với các hãng xếp hạng để có góc nhìn đầy đủ và không ảnh hưởng đến hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Thu Hà Nguyễn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889