Cách thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh trong bối cảnh Kinh tế số tại Việt Nam

KINHTENEWS - Ngày 20/10, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình Hội thảo Dự báo kinh tế Việt Nam trong bối cảnh số và những làn sóng mới - Thích nghi và chuyển đổi phương thức kinh doanh do Tổ chức giáo dục PTI tổ chức.

Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech; ông Trương Cảnh Tuyền - Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Việt Nam; ông Nguyễn Tất Thịnh - Chủ tịch HĐGH Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI; ông Nguyễn Hoàng Phương - chuyên gia Trưởng Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI...cùng đông đảo sự tham dự của các doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.

Những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam được cho là có nhiều điểm sáng, nhiều kỳ vọng nhưng vẫn có những thực tế mà các DN phải đối mặt như: môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, lạm phát và tỷ giá chịu nhiều sức ép, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp… sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà… Và kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động nhiều từ những biến động của kinh tế thế giới.


Làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam phát huy tiềm lực, tận dụng cơ hội, vượt qua những rào cản để khẳng định vị thế trong nền kinh tế mới? Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là hiện tượng ở một vài quốc gia, hay khu vực mà đã tác động trực tiếp đến phương thức phát triển kinh tế trên quy mô rộng toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khác biệt hẳn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước bằng nhiều thành tựu mới về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số, trở thành cốt lõi lấn át kinh tế vật thể.

Kinh tế số được cấu trúc từ những năng lực mới với nguồn lực - tài sản chủ yếu là trí tuệ, công nghệ cao, thông tin thay thế cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Cơ chế vận hành của kinh tế số là liên kết hệ thống bằng chuỗi, mạng, kết nối vạn vật, không giới hạn về không gian địa lý. Đó cũng chính là lợi thế so sánh tuyệt đối của kinh tế số so với kinh tế vật thể. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng thì những chuyển động của kinh tế số toàn cầu càng tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp Việt Nam.Chính vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không còn con đường nào khác là nhanh chóng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số hay số hóa hoạt động kinh doanh, quản trị.

Theo ông Trần Đình Thiên, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực nhưng về cơ bản nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn đọng về cấu trúc, năng lực thể chế. Cụ thể, Việt Nam còn thiếu nhiều nguồn lực con người, tài chính, hạ tầng cho chuyển đổi. Về thể chế, quyền tài sản trí tuệ, cơ chế phân bổ nguồn lực, tính minh bạch còn hạn chế.


Để chuyển đổi kinh tế vật thể sang kinh tế số ngoài nền tảng công nghệ phải thay đổi tư duy về thể chế, bởi cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là cuộc cách mạng thể chế. Nhà nước cần xây dựng được thể chế công khai minh bạch, chính quyền hiệu quả, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…Nhà nước nên coi chiến lược phát triển khoa học công nghệ là trục của chiến lược phát triển quốc gia, tăng cường liên kết khu vực trong nước và FDI, thúc đẩy phát triển một số ngành chọn lọc phù hợp với xu hướng.

Cùng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với quá trình hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày càng rõ nét đến kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. Với một nền kinh tế có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam thì những xu hướng mới, làn sóng mới rất dễ gây “tổn thương” nếu không chủ động đón nhận.

Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, chuyển đổi số là một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả, nhưng để làm được điều đó Nhà nước cần tạo ra khung khổ cho doanh nghiệp tự do lựa chọn bằng việc cải cách thể chế.Thể chế tốt phải đảm bảo tính công khai minh bạch và môi trường chính sách ổn định, có tính cạnh tranh cao để doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech chia sẻ, chuyển đổi số, số hóa là vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng rất ít doanh nghiệp biết cách để triển khai vào thực tế. Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục ứng dụng các công nghệ số vào mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp với mục đích nâng cao năng suất. Để số hóa, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, lấy dữ liệu làm nền tảng, thay đổi cơ bản cách vận hành doanh nghiệp. Nói cách khác doanh nghiệp cần tập trung phân tích dữ liệu để tăng năng suất, quản trị hiệu quả, gia tăng trải nghiệm khách hàng nhằm cải thiện năng lực hành động và phản ứng kịp thời để tồn tại và phát triển.

Kết quả thực tế cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, ứng dụng các nền tảng công nghệ đã giúp tăng 20% khách hàng cho taxi truyền thống, tiết kiệm 50% chi phí hậu cần cho nhà bán lẻ, tăng từ 3-7 lần doanh số thanh toán thẻ cho ngân hàng. Điều đó chứng tỏ, chuyển đổi số không còn xu hướng mang tính phong trào mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp.

Phú Cường.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889