Vì sao Trung Nguyên chia tài sản khó khăn hơn Amazon?

KINHTENEWS - Doanh nghiệp chưa niêm yết, định giá gây tranh cãi... khiến việc phân chia quyền và tài sản ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên gặp nhiều khó khăn.

Trong lúc tòa xử ly dị cặp vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo của cà phê Trung Nguyên tại Việt Nam, thì ở Mỹ cặp vợ chồng giàu nhất thế giới: Jeff Bezos – MacKenzie Bezos, ông bà chủ của công ty Amazon cũng tuyên bố sẽ ly dị. Tuy giá trị tài sản của cặp Amazon cao hơn rất nhiều, nhưng có vẻ việc chia tài sản của họ không quá khó khăn như cặp vợ chồng cà phê Trung Nguyên. Dưới đây là những phân tích của chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh.

Việc chia tài sản lớn nhất: cổ phần tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn cà phê Trung Nguyên của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ rất khó khăn và còn khá lâu để đạt đến mức hợp lý. Có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Đó là: Luật phân chia tài sản khi ly dị, loại hình tài sản là công ty cổ phần chưa niêm yết, và giá trị tài sản chưa được tòa định giá "hợp lý".

Theo CNBC , Bang Washington nơi Amazon đặt trụ sở và Bezos cư trú, là một tiểu bang áp dụng luật chế độ tài sản chung "community property" . Điều đó có nghĩa là tất cả tài sản và các khoản nợ tích lũy trong thời kỳ hôn nhân được chia đều cho cả hai, trừ khi có một thỏa thuận tiền hôn nhân. Việc chia phần trăm số tài sản lên đến hơn 120 tỷ đôla Mỹ của cặp Amazon vì thế sẽ không quá khó khăn: "Của chồng công vợ" cứ thế mà chia đôi.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Tòa ngày 21/2. Ảnh: Thành Nguyễn

Còn tại Việt Nam, về cơ bản, Luật hôn nhân và gia đình cũng xác định là chia đều tài sản và nợ nần cho hai bên, trừ khi họ có ký thỏa thuận chia tài sản. Nếu theo điều luật này thì X% góp của ông Vũ vào doanh nghiệp con nào cũng có 50% của bà Thảo trong đó, và ngược lại Y% của bà Thảo vào doanh nghiệp con nào cũng có 50% của ông Vũ trong đó. Tất cả tài sản và nợ nần sẽ được chia đôi như cặp Jeff Bezos – MacKenzie của Amazon.

Tuy vậy, điều 2b, 2c của điều 59 Luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam lại quy định như sau: 2b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; 2c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

Dựa vào hai điều này, tòa sẽ xác định công sức đóng góp cho doanh nghiệp Trung Nguyên của ông Vũ và bà Thảo để phân chia số cổ phần cho từng người tại các doanh nghiệp. Mà việc xác định công sức đóng góp này rất khó.

Trở lại với Amazon, đây là công ty cổ phần đại chúng, đang niêm yết trên sàn chứng khoán với tính thanh khoản khá tốt. Sau khi ly hôn, ông Jeff Bezos và bà MacKenzie Bezos mỗi người sẽ sở hữu khoảng 8% của công ty, với giá trị gần 70 tỷ đôla Mỹ. Ông Jeff Bezos sẽ giữ cổ phần để tiếp tục quản lý Amazon. Bà MacKenzie Bezos thì có những lựa chọn sau: bán hết hay một phần cổ phần để lấy tiền; giữ cổ phần để tranh giành quyền lãnh đạo Amazon với Jeff Bezos.

Điều khá đặc biệt tại Amazon, đó là Jeff Bezos chỉ sở hữu cổ phiếu phổ thông, có quyền bầu cử bình thường. Thông thường, các cổ đông sáng lập các công ty công nghệ lớn khác như Google, Facebook, Snap sở hữu cổ phiếu với quyền lực bầu cử đặc biệt để đảm bảo vị thế lãnh đạo, định hướng công ty... thì Jeff Boss duy trì quyền lãnh đạo tại Amazon, không phải bằng cổ phần ông sở hữu mà bằng sự tín nhiệm của các cổ đông lớn. Sau khi tin ly dị được tuyên bố, vị thế, uy tín của Jeff Boss đối với các cổ đông lớn vẫn còn rất cao. Vì thế, hầu hết chuyên gia phân tích dự đoán bà MacKenzie Bezos sẽ không chọn phương án giành quyền với Jeff Bezos.

Trong khi đó, tình hình của cà phê Trung Nguyên lại khác hẳn. Tập đoàn cà phê Trung Nguyên gồm những công ty cổ phần chưa đại chúng, với ông Vũ và bà Thảo là hai cổ đông lớn nhất. Hiện nay, vì gần như không thể cùng làm việc với nhau, nên họ khó có thể cùng là hai cổ đông chính, đồng sỡ hữu các doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên. Chính vì thế mà có phương án một bên nhận cổ phần, một bên nhận tiền. Nhưng ai sẽ là người nhận cổ phần, ai sẽ nhận tiền? Đây là một phán xét khó khăn cho tòa.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Thành Nguyễn

Một vấn đề có thể nhận thấy là giá trị của doanh nghiệp Trung Nguyên đang được định giá khá thấp so với giá trị thật. Vì thế bên nào nắm quyền quản trị công ty sẽ lợi hơn rất nhiều so với bên nhận tiền mặt.

Việc định giá doanh nghiệp - ước tính giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp – chưa bao giờ là việc chính xác. Có quá nhiều thông số khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc dự đoán dòng tiền tương lai: thị trường, ngành, lãnh đạo, chiến lược, thực thi... Vì thế các con số do các đơn vị tư vấn đệ trình cho toà đều có thể không chính xác.

Thông thường, có những cách tìm ra được giá trị hợp lý của doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên. Thứ nhất là cho doanh nghiệp lên sàn. Thứ hai là cả hai và các cổ đông còn lại bán doanh nghiệp cho nhà đầu tư thật sự xuống tiền mua với giá cao nhất. Thứ ba, sau khi chia phần trăm sở hữu xong, tòa cho ông Vũ và bà Thảo tự định giá doanh nghiệp, thậm chí đấu giá với nhau. Bên nào đưa ra mức định giá cao hơn sẽ được giữ cổ phần. Bên kia được nhận tiền tương đương với giá trị cổ phần.

Trở lại việc tòa định giá các doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên. Giá theo tôi là chưa hợp lý, mà phải cao hơn con số 5.654 tỷ đồng do tòa xác định. Có vẻ như tòa đang định giá theo kiểu "truyền thống": xác định giá của từng tài sản trong doanh nghiệp. Phương pháp này, còn gọi nôm na là phương pháp "xẻ thịt", chỉ có thể áp dụng với doanh nghiệp mới lập ra chưa kinh doanh, hoặc doanh nghiệp đang lỗ. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, đang có lời, hoặc tương lai sẽ có lời, người ta không định giá theo kiểu bán từng tài sản như thế, mà định giá bằng cách tính giá trị hiện tại của các dòng tiền lợi nhuận trong tương lai, hoặc đơn giản hơn bằng cách phương pháp so sánh P/E, P/S, P/B.

Lợi nhuận của Trung Nguyên trong các năm qua là: 1.294 tỷ đồng (2014), 808 tỷ (2015), 768 tỷ (2016), 681 tỷ (2017). Nếu hai bên không còn tranh chấp về quản lý, doanh nghiệp kinh doanh ổn định trở lại thì việc đạt 1.000 tỷ lợi nhuận là việc không khó. Nếu lấy số này nhân với P/E mức 10 - 20 thì giá trị công ty sẽ là 8.000 - 16.000 tỷ đồng. Cộng thêm với giá trị các tài sản đầu tư, là những tài sản không góp phần sản xuất kinh doanh, thì giá trị của doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên còn cao hơn nhiều.

Làm một so sánh với các công ty khác cùng ngành, ngành tương tự đang trên sàn chứng khoán, hoặc đã được nhà đầu tư mua đứt 100%, chúng ta sẽ thấy giá trị của doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên với các sản phẩm rang xay, sản phẩm hòa tan đã có thương hiệu, với thị trường khá lớn trong nước và thị trường xuất khẩu,... mà chỉ ở mức hơn 5.000 tỷ là quá thấp.

Do đó, tại phiên toàn, ông Vũ đã nói "tài sản chỉ là bề nổi, quan trọng là là phần chìm". Có lẻ sự chênh lệnh giữa giá trị thật và giá của tòa định chính là phần chìm mà ông Vũ có nói đến trong tòa.

Ông Vũ và bà Thảo đều có tài, và đều có công sức đối với sự phát triển của cà phê Trung Nguyên trong thời gian đầu. Hai phong cách quản lý khác hẳn nhau, nhưng họ đã hòa hợp bổ sung cho nhau rất tốt. Đó là điều cần thiết cho thời gian ban đầu: khởi nghiệp, vượt khó và phát triển vừa phải. Khi đó các nhân vật chủ chốt, các đồng sáng lập có thể hòa hợp và chia nhau quyền lãnh đạo theo lĩnh vực chuyên môn, theo công việc hoặc thậm chí theo thời gian. Thế nhưng, khi đã phát triến lớn thì việc một doanh nghiệp có cùng lúc 2, 3 lãnh đạo không còn phù hợp.

Cà phê Trung Nguyên đã kéo dài thời gian đồng lãnh đạo quá lâu. Đến khi doanh nghiệp quá lớn, thì họ mới nhận ra rằng họ đã quá khác nhau về tầm nhìn, về chiến lược, về cách quản lý.

P.V
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889