Thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống trong phiên giao dịch đầu năm

KINHTENEWS - Chứng khoán thế giới mở đầu năm 2019 với những bước trượt dốc trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu mới.

Các chỉ số quan trọng tại châu Âu, Á đều giảm trong phiên giao dịch hôm nay sau khi những số liệu mới được công bố cho thấy ngành sản xuất Trung Quốc đi xuống trong tháng 12/2018.


Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 2,8%, Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 1,2%, ASX tại Australia giảm 1,6%. Thị trường trường châu Âu cũng không tránh khỏi xu hướng này khi FTSE tại Anh mất 1,9% ngay trong phiên giao dịch sáng nay, CAC tại Pháp giảm 2,1% và DAX tại Đức giảm 1%. Các chỉ số tương lai của thị trường Mỹ đang chìm trong sắc đỏ dự báo nhiều khả năng DJIA cũng giảm điểm ngay đầu phiên.

Xu hướng bán tháo đầu năm mới xảy ra sau một năm khó khăn với hầu hết nhà đầu tư. 2018 là năm tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, chỉ số DJIA lao dốc 8,7% chỉ trong tháng 12.

Hiện tại, một trong những mối lo hàng đầu của nhà đầu tư là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn. Năm ngoái, Shanghai Composite đã giảm 25% khiến cho Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán tệ nhất thế giới.

Hôm nay, kinh tế Trung Quốc lại có thêm các dấu hiệu suy giảm mới. Theo báo cáo của Caixin và hãng nghiên cứu Markit vừa công bố, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Trung Quốc tháng 12 giảm còn 49,7 từ mức 50,2 hồi tháng 11. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất co lại. Trước đó vài ngày, Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, PMI của Trung Quốc tháng 12 chỉ còn 49,4.

Đây là lần đầu tiên PMI của Trung Quốc dưới 50 kể từ tháng 7/2016 và cũng là thấp nhất gần 3 năm qua. Nó cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục mất đà, làm tăng rủi ro cho cả nước này và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài.

"Kinh tế Trung Quốc dường như ngày càng chịu áp lực suy giảm lớn hơn", Zhengsheng Zhong – giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại hãng nghiên cứu CEBM Group nhận định.

Tú An
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889