Kinhtenews - Trung Quốc rất cởi mở trong việc cấp tài chính cần thiết cho các nước cần tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế.
Trung Quốc hiện có GDP 12.000 tỷ USD, là nền kinh tế lớn nhì thế giới và quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất toàn cầu. Họ đang đầu tư hàng tỷ USD vào dự án Vành đai và Con đường, là quốc gia có quyền biểu quyết lớn thứ 3 tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đã tự tạo ra tổ chức cho vay đa phương - Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).
Đây là bước chuyển biến mang tính xây dựng, có khả năng định hình lại việc quản trị kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có nghiêng theo các giá trị được các tổ chức do phương Tây dẫn dắt ủng hộ, hay sẽ thay thế chúng.
Những người ủng hộ cho rằng Trung Quốc cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho các chính phủ cần tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Họ cho rằng Trung Quốc có các chính sách tốt hơn, và các sai lầm trong mô hình của phương Tây đã mở cánh cửa giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.
Một phần dự án đường sắt Lào - Trung Quốc tại Luang Prabang. Ảnh: Bloomberg
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một ví dụ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết chỉ riêng châu Á đã cần 26.000 tỷ USD cho đến năm 2030. Việc này giúp Trung Quốc có cơ hội hoàn hảo để kết thêm bạn, Curtis S. Chin - cựu đại sứ Mỹ tại ADB nhận định. “Cam kết của Trung Quốc về việc hỗ trợ tài chính và nhiều lĩnh vực khác thông qua các tổ chức và sáng kiến đa phương do chính họ khởi xướng, trong đó có AIIB và Vành đai và Con đường, là cực kỳ hấp dẫn”, ông cho biết.
Cùng lúc đó, quá trình cải tổ tại IMF và nhiều tổ chức tương tự nhằm cho phép Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn lại quá chậm chạp. “Các tổ chức và hiệp định đa phương sẽ ngày càng bị bỏ qua, trừ khi họ tăng vai trò của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác”, David Loevinger - cựu chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ nhận định.
Ngược lại, những người chỉ trích thì cho rằng các sáng kiến như AIIB chỉ là bức màn che đậy mạng lưới cho vay phức tạp và thiếu minh bạch của Trung Quốc. Việc nhận vốn vay từ Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia nghèo hơn chìm trong nợ nần.
Vì thế, nhiều quốc gia từng mở cửa đón đầu tư Trung Quốc đang ngày càng nghi ngại. Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà giới quan sát cho là ít liên quan đến thâm hụt thương mại. Thay vào đó, ông Trump muốn kiềm chế tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình - phát triển một nền kinh tế cực mạnh dựa trên công nghệ
“Công chúng và các chính phủ đang ngày càng khắt khe với Trung Quốc. Và các cử tri đang tự hỏi liệu ảnh hưởng của Trung Quốc lên thương mại toàn cầu là tích cực hay tiêu cực”, Anne Stevenson-Yang - đồng sáng lập J Capital Research nhận định.
Chính phủ mới của Malaysia đã ngừng nhiều dự án cơ sở hạ tầng sử dụng vốn của Trung Quốc. Các đối tác thương mại liên tục phàn nàn chuyện khó tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới. Và Trung Quốc cũng chịu nhiều chỉ trích vì cho vay các nước nghèo hơn, khiến núi nợ của họ càng lớn.
Trước các chỉ trích đó, Trung Quốc chỉ khẳng định họ là người bảo vệ trật tự thế giới hiện tại và các hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc, đặc biệt là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những tuyên bố này dĩ nhiên cần theo dõi sát sao, chuyên gia về quản trị toàn cầu Tamar Gutner nhận định.
“Khả năng Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong quản trị kinh tế toàn cầu vẫn còn mờ mịt”, bà cho biết. Nguyên nhân là các phàn nàn về hoạt động thương mại, sự thiếu minh bạch quanh sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như các ngân hàng chính sách của nước này.
Lãnh đạo Trung Quốc và Nam Phi tại diễn đàn hợp tác hồi tháng 9. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn đang tăng lên. Chiến lược Nước Mỹ trên hết của ông Trump phần nào đã đẩy nhanh quá trình này.Hồi tháng 9, ông Tập chào mừng các lãnh đạo châu Phi đến Bắc Kinh và cam kết cấp hơn 60 tỷ USD vốn cho họ. Cùng lúc đó, ông Trump lại tuyên bố bỏ qua hai hội nghị thượng đỉnh lớn tại châu Á trong tháng 11, làm dấy lên lo ngại về cam kết của Mỹ với khu vực này.
Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò trên thế giới, Louis Kuijs - Giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại Oxford Economics ở Hong Kong dự báo. “Điều khiến tôi lo lắng nhất về tương lai là sự xung đột giữa các mô hình kinh tế khác nhau, và điều này có ý nghĩa gì với các mối quan hệ trên toàn cầu”, Kuijs kết luận.
Hà Thu
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com