Kinhtenews - Ở Viettel, những người có biểu hiện khác thường như xung phong nhận những nhiệm vụ cực khó với cam kết trong một thời gian không tưởng và quyết tâm “không ai cản được” bị nói đùa là “Thằng này chắc vừa nói chuyện với anh Hùng…”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), người mới được Thủ tướng quyết định giao Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước đó, lãnh đạo này vừa được Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.
Anh chuyên viên kỹ thuật "lạ"
Năm 2000, một gia đình ở Hà Nội tiếp chuyên viên kỹ thuật của một công ty viễn thông (vẫn hay bị nhầm là Bưu điện) đến nhà sửa chữa trục trặc liên quan đến dịch vụ 178 (gọi VoIP – dịch vụ viễn thông đầu tiên của Viettel). Chủ nhà khá ngạc nhiên vì cán bộ kỹ thuật này tạo cảm giác rất đặc biệt.
Đến khi ra về chủ nhà mới "té ngửa" khi biết đó là Phó Tổng giám đốc của công ty cung cấp dịch vụ 178 – ông Nguyễn Mạnh Hùng, chứ không phải là chuyên viên kỹ thuật thông thường.
Vào những năm 2000, viễn thông là ngành độc quyền tuyệt đối ở Việt Nam (chỉ có VNPT cung cấp), nếu dịch vụ gặp trục trặc, khách hàng phải "gọi mỏi mồm" thì nhân viên bưu điện mới "tà tà" đến. Chuyện một lãnh đạo với chức danh trên card là Phó Tổng giám đốc đích thân đến sửa chữa, hỏi thăm, xin ý kiến xem dịch vụ có gì cần thay đổi để tốt lên giống như… chuyện cổ tích.
Thời điểm đó, Viettel thử nghiệm cung cấp dịch vụ 178 và cũng là công ty đầu tiên ngoài VNPT được làm viễn thông nên gặp rất nhiều vấn đề cả về kỹ thuật cũng như phi kỹ thuật.
Và ông Hùng là người khởi phát ý tưởng cho dịch vụ này, đồng thời phụ trách kỹ thuật của Viettel cùng với anh em kỹ thuật đến tận nhà khách hàng để xử lý triệt để các trục trặc phát sinh, giúp dịch vụ thông suốt. Sau này khi làm dịch vụ thông tin di động, ông Hùng vẫn giữ phong cách đó: luôn làm đến cùng và ở tuyến đầu.
"Thằng đó chắc vừa nói chuyện với anh Hùng…"
Tại Viettel, chuyện lãnh đạo, nhân viên làm việc không kể ngày đêm, với những mục tiêu cũng thuộc dạng "điên cuồng" là điều không hiếm. Tuy nhiên, nhân viên ở đó thường nói đùa với nhau một câu khi thấy ai đó hơi có kiểu "hồng vệ binh" về một mục tiêu nào đó và đam mê theo kiểu "không gì cản được" là: "Thằng đó chắc vừa nói chuyện với anh Hùng…".
Thực tế, tại Viettel, ông Hùng là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho nhiều người và những mục tiêu tưởng chừng như không tưởng mà Tập đoàn này đặt ra, đã đạt được cũng có công không nhỏ từ sự thúc đẩy của người đứng đầu. Nhiều nhân viên sau các cuộc nói chuyện với ông Hùng (cả cá nhân hay trong các buổi họp, hội nghị) cảm thấy bừng bừng khí thế, lao vào làm việc để đạt bằng được mục tiêu đúng kiểu "hồng vệ binh".
Thế nhưng, không phải ai làm việc máu lửa ở Viettel cũng do ông Hùng nói chuyện. Tinh thần làm việc quên mình và khát vọng vươn tới những điều tưởng như không thể là điều được chia sẻ chung trong Ban lãnh đạo của Viettel, và nhờ đó thấm đến rất nhiều thành viên khác trong tập đoàn. Câu nói đùa "Thằng đó chắc vừa nói chuyện với anh Hùng…" chỉ phản ánh một giá trị chung đã được thấm nhuần tới nhiều người Viettel mà ông Nguyễn Mạnh Hùng là người đại diện.
Cũng chính vì thế, ông Hùng cũng là đối tượng để mọi người nói vui là: "Anh Hùng ‘đánh bả’ thằng này (cô này) rồi…" khi thấy một thành viên Viettel nào đó hăng hái xung phong nhận một việc siêu khó, với thời hạn mà những người khác đều… chán.
Chuyện sáng tạo của cô tạp vụ, anh đầu bếp, lái xe
"Ở Viettel, không ai là số 0" là một phát biểu nổi tiếng của ông Hùng tại tập đoàn này khi mà cô tạp vụ, anh đầu bếp hay lái xe đều được tạo không gian để sáng tạo và làm việc của mình theo một cách khác. Đó cũng là lý do mà nhân viên văn phòng trên tập đoàn này được học rất nhiều kiến thức về pha trà, làm các món ăn… cùng nhiều kỹ năng khác để làm việc của mình theo cách riêng.
Thậm chí, anh đầu bếp hay các lái xe của tập đoàn cũng được trao các cơ hội để làm công việc hay sắp xếp công việc của mình theo một cách mới để có kết quả tốt hơn trước. Và có lẽ rất ít công ty ở Việt Nam vinh danh một người đầu bếp trong 10 nhân vật xuất sắc nhất toàn cầu của Tập đoàn như Viettel (năm 2016).
Giữa những điển hình xuất sắc của việc đưa một công ty nước ngoài lên vị trí số 1 chỉ sau 6 tháng, sản xuất thành công vũ khí công nghệ cao, sáng kiến đem lại lợi ích cả nghìn tỷ đồng… thì có một anh đầu bếp. Đó có phần không nhỏ từ triết lý "không ai là số 0" và "sáng tạo và giá trị có thể đến từ bất kỳ ai" mà ông Hùng chia sẻ.
Người đồng nghiệp "duyên nợ"
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (người thứ ba từ bên trái) và ông Lê Đăng Dũng (người thứ hai từ bên phải).
Trong Ban Tổng giám đốc Viettel, ông Hùng và ông Lê Đăng Dũng (Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc) là 2 người thuộc thế hệ F1 - có mặt và xây dựng tập đoàn này từ thời chưa cung cấp dịch vụ viễn thông. Ông Lê Đăng Dũng và ông Hùng là 2 nhân vật chủ chốt trong việc xây dựng tuyến cáp quang 1A của Bộ Tư lệnh Thông tin.
Lúc đó, Bộ Tư lệnh thông tin đề xuất xin Chính phủ được sử dụng 2 sợi cáp thừa trên trục cáp quang 500KV (một của VNPT, một của EVN) để xây dựng mạng thông tin quân sự. Với một mạng cáp quang thông thường thì cần có 4 sợi (2 thu, 2 phát) thì Viettel thực hiện thành công tuyến cáp quang lịch sử của quân đội chỉ với 2 sợi cáp.
Đây là tuyến cáp dài tới 2.000 km mà chỉ có 2 sợi (dùng công nghệ thu phát trên cùng một sợi quang) và chỉ có người Việt Nam thực hiện (các tuyến cáp quang trước đó đều cần sự tham gia của chuyên gia nước ngoài). Công nghệ thu phát trên cùng một sợi quang lúc đó mới áp dụng tại Anh mà với tuyến chỉ dài 200km.
Trong lần thực hiện dự án mang tính lịch sử đó, ông Hùng dẫn đầu một đoàn khảo sát và ông Lê Đăng Dũng dẫn đầu một đoàn khảo sát. Dự án này cũng tập hợp những chuyên gia về kỹ thuật giỏi nhất của Viettel lúc đó và sau này đều trở thành lãnh đạo chủ chốt như ông Tống Viết Trung (nguyên Phó Tổng giám đốc Viettel, hiện là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến Không gian mạng, Bộ Quốc phòng), ông Lê Hữu Hiền (hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty công trình Viettel), ông Nguyễn Thanh Nam (hiện là Tổng giám đốc Viettel Myanmar)…
Sau này, khi ông Hùng lên Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Lê Đăng Dũng giữ vị trí Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc và được coi là nhân vật số 2 tại Viettel. Giờ đây, khi ông Hùng được giao vị trí mới – Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Dũng vẫn ở lại Viettel.
Hoàng Ly
Theo Trí thức trẻ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com