Kinhtenews - Khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch và nhà sáng lập Masan tăng lên mức 1,2 tỷ USD - trở thành tỷ phú đôla thứ 3 của Việt Nam theo thống kê của Bloomberg.
Cổ phiếu tập đoàn Masan – đơn vị sản xuất nhiều loại hàng tiêu dùng từ nước mắm, tương ớt... được sử dụng rộng rãi trong các bữa ăn của người Việt đã tăng gấp đôi trong 6 tháng qua so với mức 37% của toàn chỉ số VN Index.
Tuy chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu Masan nhưng ông Nguyễn Đăng Quang được xem là ông chủ thực sự, người trực tiếp lèo lái con thuyền Masan. Số liệu chính thức cho thấy ông Quang và vợ hiện nắm 49% cổ phần tại Masan Corp và sở hữu Sunflower Contructions.
Còn theo thống kê của Bloomberg, tài sản của ông Quang hiện tại đã tăng lên mức 1,2 tỷ USD.
Hiện Masan từ chối bình luận về khối tài sản của ông Quang.
"Masan phục vụ người tiêu dùng với những sản phẩm buộc phải có như mắm cá, mỳ tôm, tương ớt và tương cà", theo David Anjoubault – Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam. Hãng nghiên cứu này cũng dự đoán rằng 95% các hộ gia đình trong nước này sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan. "Các nhà sản xuất thực phẩm địa phương như Masan có sự hiểu biết sâu sắc đối với nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng trong nước".
Đồng sáng lập Masan cùng ông Quang là ông Hồ Hùng Anh – Phó chủ tịch công ty sở hữu 47,6% cổ phần tính tới tháng 9/2015. Ông Hùng Anh được cho là "đóng góp vào giai đoạn phát triển ngay từ khi Masan mới khởi nghiệp". Tài sản của ông hiện chưa được kiểm kê.
Cổ phiếu của Masan đã tăng sau khi hồi phục từ đà giảm vào năm ngoái khi giá lợn lao dốc do Trung Quốc ngừng nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2016. Sự sụt giảm nhu cầu lợn kéo theo doanh thu Masan giảm 9% xuống còn 27,5 nghìn tỷ đồng lần đầu tiên trong 9 tháng đầu năm 2017.
"Giá lợn đã hồi phục khi Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu lợn từ Việt Nam làm tăng thêm kỳ vọng cho Masan Group trong năm nay", ông Vũ Xuân Thơ – chuyên gia phân tích nhận định.
Ông quang khởi nghiệp kinh doanh từ những năm 1990 sau nhiều năm học tập tại Nga. Tại đây, ông tốt nghiệp thạc sỹ từ Đại học Kinh tế Plekhanow Russian và sau đó còn nhận một học vị Tiến sỹ về lĩnh vực khoa học công nghệ từ Học viện Khoa học quốc gia Belarus.
Thời kỳ đó, vị tỷ phú này đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh tại Nga và quyết định bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây. Công việc kinh doanh thuận lợi, cuối cùng ông đã xây nhà máy sản xuất 30 triệu gói mì mỗi tháng và mở rộng sang đậu nành, cá và tương ớt. Theo sau thành công tại Nga, ông quay lại Việt Nam vào năm 2001 và chuyển hướng kinh doanh tập trung sang thị trường quê nhà.
Kantar Worldpanel – đơn vị theo dõi thói quen người tiêu dùng đã xếp Masan Consumer là 1 trong số 3 thương hiệu thực phẩm lớn nhất Việt Nam vào năm ngoái bên cạnh Unilever và Vinamilk.
Masan nổi tiếng với những loại nước mắm như Chin-su và Nam Ngư. Ngoài kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan còn sở hữu 13,9% cổ phần tại Techcombank – thông qua cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
Khả năng IPO của ngân hàng này cũng đóng góp cho đà tăng giá cổ phiếu của Masan.
Năm ngoái, Masan Group đã thu hút được 250 triệu USD vốn đầu tư từ KKR&Co trong đó 150 triệu USD được bổ sung cho mảng sản xuất thịt, Masan Nutri-Secience. Đây là vòng đầu tư thứ 3 của công ty Mỹ cho Masan. Vòng đầu tiên được thực hiện vào năm 2011 với 159 triệu USD – thỏa thuận đầu tư lớn nhất thời kỳ đó.
Vân Đàm
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com