Phó Chủ tịch CEN Group: “Cá mập” thích ăn tôm nhưng bạn lại là cá, không phải thả cái gì “shark” cũng đớp mồi

Kinhtenews - “Các bạn không được lựa chọn để đầu tư không có nghĩa là các bạn không thành công. Có thể cá mập ở đây không hợp khẩu vị với các bạn. Bạn không phải là miếng mồi ngon của chúng tôi. Chúng tôi thích ăn tôm chẳng hạn nhưng bạn lại là cá”.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Thanh Hưng, một “cá mập” trong chương trình startup gọi vốn trực tiếp từ nhà đầu tư (Shark Tank). Ông Hưng cùng nhiều doanh nhân nổi tiếng khác sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư trong chương trình sắp được công chiếu trên VTV3.

Trong chương trình tọa đàm của các “cá mập”, ông Hưng đã tiết lộ các tiêu chí chọn đầu tư startup và các startup muốn chinh phục nhà đầu tư Phạm Thanh Hưng có thể nghiên cứu để thuyết phục nhà đầu tư này.

“Cá mập” Phạm Thanh Hưng sẽ thích những “con mồi” nào?

Doanh nhân họ Phạm đánh giá cao những startup có tính đổi mới và sáng tạo. “Tôi đánh giá cao sự đam mê, quyết liệt với tính chất mới, khác lạ. Những startup này sẽ làm những được điều chưa có, sản phẩm khác biệt. Tôi sẽ chọn những ứng dụng làm thay đổi sản phẩm cũ bằng cách làm mới.

Có một số dự án tôi đã từ chối, vì tôi không nhìn thấy ở họ có cái mới. Những trường hợp này là lập nghiệp thì đúng hơn. Các bạn làm lại việc mà người Việt chúng ta trăm năm nay vẫn làm, không có cách làm mới, không có sản phẩm mới”, ông Hưng nói về tiêu chí chọn các startup để đầu tư.

Ông Hưng cũng cho rằng nếu các startup không được lựa chọn, thì không đồng nghĩa với việc các bạn đó đã thất bại. “Có thể các 'cá mập' ở đây không hợp khẩu vị với các bạn. Bạn không phải là miếng 'mồi ngon' của chúng tôi. Các 'cá mập' ở đây thích ăn 'tôm' chẳng hạn nhưng bạn lại là 'cá'. Không phải thả cái gì 'cá mập' cũng đớp".

Cảm giác đầu tiên chiếm đến 50% đến việc đưa quyết định đầu tư

Theo ông Hưng, cảm giác đầu tiên khi nhà đầu tư gặp startup rất quan trọng, đâu đó chiếm đến 50% đến việc đưa ra quyết định. Và theo ông, cảm giác không được dạy mà do trải nghiệm và tự tạo cho mình cảm giác đó.

“Đôi khi là cái feeling (cảm giác, cảm xúc) đầu tiên rất quan trọng. Tôi đánh giá ý tưởng là một phần. Và đánh giá thêm khả năng triển khai mở rộng, ứng dụng công nghệ có tính đột phá, làm những điều chưa ai làm.

Có những feeling khó giải thích. Feeling về dịch vụ thị trường, là điều gì đó rất đặc biệt. Nếu các trường kinh doanh dạy được thì ai cũng trở thành doanh nhân. Có những cái không dạy được, do trải nghiệm, tự tạo cho mình cảm giác đó. Cảm giác chiếm đâu đó 50% đến việc đưa ra quyết định”, ông Hưng nói.

Việc gì cũng biết, cũng làm thì sẽ rất yếu. Chỉ nên làm những gì thuộc về điểm mạnh

Trong sự kiện, “cá mập” đến từ CEN Group kể, ông làm bất động sản cách đây hơn 10 năm. Và sau đó làm đủ nghề: “Ngày đó, tôi đi làm và luôn kết hợp với một cô chân dài. Việc của cô của cô ấy là mở cửa để khách lên xe. Nhưng khi khách lên xe rồi thì việc khách có rút tiền hay không là việc của tôi.

Ngày ấy, Toyota mới lắp ráp xe có 1.3, làm sao có thể chạy êm, mở cửa nghiêng bao nhiêu độ… là công việc của tôi. Rồi chuyển qua một vài hãng ô tô khác. Tôi định làm việc riêng cho bản thân, làm cho nhà nước rồi làm lập nghiệp riêng. Đi làm tích lũy rồi mở công ty….

Có những lúc trắng tay luôn, thế chấp nhà, rồi lại trả nợ. Và tôi nhận thấy mỗi con người chỉ có một vài khả năng. Ví dụ, tôi sẽ rất giỏi nếu có một người nào đó thực hiện những ý tưởng của tôi, vì tôi không biết làm”, ông Hưng kể.

“Sau một vài lần dập lên dập xuống, tôi gặp một người bạn. Tôi góp ý cho bạn ấy nhiều thứ và bạn ấy thấy rất hay. Và chúng tôi quyết định bắt tay với nhau. Bạn tôi chính là người sáng lập ra CEN Group bây giờ”, vị doanh nhân họ Phạm nhớ lại.

Từ câu chuyện của bản thân, ông Hưng rút ra rằng nếu 2 người khởi nghiệp bắt tay nhau thì là để bù đắp cho nhau. Đó là điểm mấu chốt trong chọn cộng sự.

“Khi lựa chọn cộng sự, sự kết hợp phải là bù đắp. Nếu team có 3 người mà 2 người suy nghĩ giống nhau, chắc chắn là thừa một người”, ông Hưng nhắn nhủ tới các startup.

Theo ông, để làm chủ một doanh nghiệp, còn một yếu tố khác, ngoài sự chăm chỉ. "Cần cù thôi chưa đủ, muốn làm chủ phải tinh khôn", doanh nhân đúc kết.

Thế Trần
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889