Kinhtenews - Theo thông tin đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 giữa Chính phủ và các địa phương đầu tháng 7, dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt kỷ lục mới ở mức 42 tỷ USD.
Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mức kỷ lục cũ 41 tỷ đạt được giai đoạn cuối năm 2016. Trong quá khứ, quy mô dự trữ được công bố tại các thời điểm và có xu hướng biến động mạnh, như tháng 6/2008 đạt 20,7 tỷ USD; tháng 1/2011 đạt 12,58 tỷ USD và cuối năm 2012 đạt khoảng 22-23 tỷ USD.
Như vậy là với số liệu trên, dự trữ ngoại hối Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng thêm 1 tỷ USD, mức tăng mặc dù thấp nhưng là đáng khích lệ trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Năng lực dự trữ ngoại hối mỗi quốc gia được tính theo giá trị tuần nhập khẩu của nền kinh tế năm tiếp theo.
Với giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam đã đạt hơn 100 tỷ USD và dự kiến cả năm sẽ đạt trên 200 tỷ USD thì mức dự trữ ngoại hối trên vẫn chưa đạt mức 12 tuần nhập khẩu theo yêu cầu và vẫn cần cải thiện thêm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Như vậy là quy mô nền kinh tế, trong tham chiếu ở đây là kim ngạch nhập khẩu, đã mở rộng rất nhanh trong hơn chục năm gần đây, qua đó yêu cầu về quy mô dự trữ ngoại hối cũng gia tăng theo từng năm.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối và xuất khẩu từ khu vực FDI đạt mức 41 tỷ USD. Tuy nhiên, theo công ty chứng khoán MBS có khả năng dự trữ ngoại hối sẽ chỉ tăng nhẹ trong 2017 do tình trạng nhập siêu đã quay lại.
Về vấn đề lãi suất, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất, tiến tới phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Tỷ giá trung tâm tăng mạnh trong phiên hôm qua (4/7), mức tăng 9 đồng lên kỷ lục mới là 22.440 đồng/USD. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 282 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá mà các ngân hàng được giao dịch trong khoảng từ 21.766 - 23.113 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện đang được yết tại mức 22.725 đồng/USD chiều mua vào và 23.084 đồng/USD chiều bán ra.
Trong khi đó, tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng chủ yếu trong khoảng 22.690-22.700 đồng/USD chiều mua vào và quanh mức 22.770 đồng/USD chiều bán ra.
Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mức điều chỉnh tăng của tỷ giá trung tâm sáng 4/7 có nguyên nhân đến từ diễn biến bật tăng của đồng USD ngày 3/7, tăng +0,62% lên mức 96,2 điểm. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 tháng sau khi các số liệu công bố cho thấy lĩnh vực sản xuất đạt trạng thái tốt nhất trong vòng gần 3 năm trở lại đây.
Trong năm 2017, có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt tăng lãi suất nữa và Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động theo dõi diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, chủ động có biện pháp điều hành tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế, tránh đầu cơ.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ có đủ biện pháp để kiểm soát, ổn định tỷ giá theo chỉ đạo của Chính phủ” - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định.
Châu Huệ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
vnkinhtenews@gmail.com