Tránh "dở khóc dở cười" với GPS

Kinhtenews - Công nghệ định vị GPS đã được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày, nhờ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng như giám sát người thân trong gia đình (phụ huynh giám sát con em thông qua đồng hồ định vị GPS), theo dõi việc giao nhận hàng hóa của nhân viên giao hàng, bảo vệ các tài sản như xe máy, xe hơi..., và các ứng dụng như Grab, Uber cũng hoạt động dựa trên nền tảng định vị GPS để tìm đến khách hàng.

Dùng đúng cách mới phát huy tác dụng
Hiện nay, tại Việt Nam, định vị GPS chủ yếu được sử dụng với các mục đích dẫn đường, theo dõi các thiết bị cá nhân và trẻ em, người thân. Không thể phủ nhận thiết bị định vị GPS rất quan trọng đối với tài xế, vì giúp họ tránh bị lạc đường. Tuy nhiên, tỷ lệ chính xác của GPS chỉ khoảng 70 - 80% vì vẫn có những sai số trong khoảng cách thực tế từ 10 - 30m.
Theo ông Nguyễn Thế Lâm - quản lý một công ty phân phối ứng dụng GPS: "Độ chính xác của GPS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tỷ lệ giữa tín hiệu và nhiễu, vị trí vệ tinh, thời tiết và các vật cản như nhà cao tầng hay các ngọn núi. Những yếu tố này có thể làm sai lệch vị trí cần được xác định. Nhiễu tín hiệu thường tạo ra sai số khoảng 10m. Các ngọn núi, nhà cao tầng hay các vật cản khác chặn đường tín hiệu giữa bộ phận thu và vệ tinh có thể tạo ra sai số lớn gấp ba lần sai số tạo ra do nhiễu tín hiệu".
Thông thường, một bộ phận thu GPS phải được theo dõi trên bốn vệ tinh để có thể xác định được vị trí, nếu ít hơn 4 vệ tinh thì biên độ sai số sẽ rất lớn. Chẳng hạn, vị trí của người dùng được xác định chính xác nhất khi bầu trời quang đãng, ít vật cản và với nhiều hơn bốn vệ tinh. Còn trên smartphone sẽ có thêm một hệ thống hỗ trợ là AGPS (Assisted GPS), sử dụng mạng không dây wifi trên mặt đất để giúp chuyển tiếp giữa vệ tinh và bộ phận thu khi tín hiệu GPS quá yếu hoặc không thể thu phát.
AGPS có thể cung cấp các thông tin niên giám (lượng mưa, thời tiết...) và thời gian chính xác; tận dụng khả năng tính toán tốc độ cao và tín hiệu vệ tinh tốt của các trạm mặt đất để lấp các thông tin bị lỗi hoặc bị thiếu trong quá trình thu phát tín hiệu để xác định vị trí một cách chính xác nhất. Thực tế người dùng vẫn bị tình trạng định vị điểm A chờ đón xe nhưng khi xe đến thì lại cách điểm A đến 30m bởi vì thời điểm lúc đó là trời mưa hoặc khu vực đó cao ốc bị cản trở tín hiệu.
Công nghệ định vị GPS đã được tích hợp trong các thiết bị cá nhân như smartphone, tuy nhiên, không nên lạm dụng vì có thể khiến tài xế bị phân tâm khi vừa theo dõi bản đồ, vừa lái xe, có khả năng gây tai nạn. Ông Chí Nguyên - một tài xế chạy Grab cho biết: "Ứng dụng GPS trên smartphone cung cấp nhiều tiện ích như: giúp tài xế biết được tình trạng giao thông trên tuyến đường đang đi, đề nghị thay đổi lộ trình để rút ngắn thời gian chuyến đi. Tuy nhiên, một số ứng dụng khác như Facebook, Zalo, Viber... có thể hoạt động chồng chéo dựa theo GPS sẽ khiến máy bị đơ, hoặc có độ trễ nhất định dẫn đến tình trạng dẫn đường lòng vòng, mau hết pin do sóng yếu, hoặc thậm chí làm mất liên lạc với các cuộc gọi quan trọng vì ứng dụng GPS chiếm dụng sóng điện thoại...".
Một số tài xế chia sẻ, lạm dụng GPS cũng có thể gây ra nhiều tình huống "dở khóc dở cười" do tại Việt Nam, các ứng dụng bản đồ trên nền tảng Google Map, VietMap, Here Maps chưa được cập nhật đầy đủ và kịp thời các thay đổi về phân luồng giao thông (như khu vực công trường Quách Thị Trang hiện tại đã cấm lưu thông trên khá nhiều con đường để phục vụ thi công nhà ga ngầm Bến Thành), hoặc bản đồ thường chỉ dẫn sai đường khiến tài xế chạy lòng vòng... Chẳng hạn, tại quận 3, TP.HCM có một đoạn đường tên Đoàn Công Bửu liên thông giữa hai đường Lý Chính Thắng và Trần Quốc Thảo, Google Map hướng dẫn đi đường này sẽ giúp rút ngắn đường đi, nhưng một số tài xế cho biết đây là đường nội bộ của khu nhà khách chính phủ T.78, nơi các lãnh đạo thành phố thường đến nghỉ ngơi, nên họ bị lực lượng bảo vệ chặn lại, không cho đi vào.
Lợi bất cập hại
Một trong những yếu tố quan trọng đối với thiết bị GPS chuyên dụng lắp trên các phương tiện di chuyển là thiết bị và vệ tinh phải "nhìn" thấy nhau thì mới kết nối được. Do vậy, người dùng nên duy trì việc kết nối định vị ở những vị trí thoáng đãng, ít bị che bởi cây cối hay nhà cao tầng thì thời gian nhận dạng vị trí sẽ được cải thiện rõ rệt. Đối với GPS trên smartphone cũng vậy, các vị trí thoáng đãng sẽ giúp bản đồ thông báo chính xác vị trí khi dùng các dịch vụ Grab, Uber.
Khi thiết bị GPS được gắn vào xe máy, việc dùng điện từ bình ắc quy để thu tín hiệu từ vệ tinh, sóng 3G và phát lại sóng GSM để truyền tín hiệu về server sẽ làm tốn khá nhiều điện năng. Với các thiết bị kém chất lượng, không có sensor cảm ứng với chế độ tự động tắt khi xe không hoạt động thì càng hao điện năng của ắc quy.
Đối với smartphone, định vị GPS kết hợp nhiều hệ thống để tăng độ chính xác sẽ làm hao pin rất nhanh, nhất là những ứng dụng đòi hỏi quyền sử dụng GPS ngay cả khi không mở ứng dụng. Bên cạnh đó, người dùng có thể bị theo dõi mọi lúc mọi nơi, bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân mà không hề hay biết vì smartphone thường chạy ứng dụng đa tác vụ.
Nhìn chung, người dùng không nên quá lệ thuộc vào thiết bị GPS mà hãy chủ động tìm hiểu đường đi thông qua các phương tiện có độ chính xác cao. Và nếu sử dụng thì nên lựa chọn các thương hiệu uy tín và nổi tiếng, đồng thời phải tìm hiểu cặn kẽ các tính năng của thiết bị. Riêng với smartphone, nên sử dụng các ứng dụng định vị phù hợp, hạn chế cài đặt thêm các ứng dụng thứ ba được mời gọi sử dụng miễn phí để tránh bị theo dõi ngược lại và nếu không có nhu cầu sử dụng thì nên tắt tính năng định vị để tiết kiệm pin.
ĐẶNG HÙNG
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889