Không tập trung một đầu mối quản lý: Bội chi, nợ công khó kiểm soát

Bội chi ngân sách, nợ công khó kiểm soát chặt chẽ nếu như không tập trung một đầu mối. Cơ chế một người đi vay, một người khác lo tính sổ trả nợ là không hợp lý. Cần phải có một đầu mối giúp cho Chính phủ quản lý chặt chẽ vấn đề này.

trang 6
Cơ chế một người đi vay, một người khác lo tính số trả nợ là không hợp lý.

Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về vấn đề quản lý nợ công vừa được thảo luận tại Quốc hội.

PV: Thưa ông, khi bàn về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) tại Quốc hội mới đây, một vấn đề mấu chốt có hai luồng quan điểm rất khác nhau là về cơ quan đầu mối quản lý nợ công. Một số ý kiến ủng hộ giữ nguyên như hiện tại, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần quản lý thống nhất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Khi góp ý xây dựng Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), tôi và nhiều thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ủng hộ phương án thống nhất quản lý một đầu mối. Bởi vì, không chỉ trong quản lý nợ công, mà thực chất đây là vấn đề phân công quyền lực trong nội bộ Nhà nước.

Chúng ta hiện nay đang chủ yếu là phối hợp, mà phối hợp là cơ chế dễ đùn đẩy trách nhiệm, dễ đổ lỗi cho nhau khi không hoàn thành một mục tiêu quản lý nào đó. Yêu cầu đặt ra ở đây là phải phân công quyền lực một cách rành mạch, rạch ròi. Phân công càng rạch ròi, trách nhiệm càng cụ thể. Khi phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể sẽ khiến cho việc kiểm soát quyền lực minh bạch, dễ dàng hơn. Lâu nay, vì chúng ta nhấn mạnh yếu tố phối hợp nên việc bóc tách trách nhiệm là rất khó. Đây chính là điểm yếu của hệ thống chúng ta.

ong van 
Đại biểu Lê Thanh Vân
PV: Việc thống nhất một đầu mối như vậy có ưu điểm gì trong quản lý nợ công, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân:  Ý nghĩa quan trọng trong việc xác định một đầu mối quản lý nợ công là chuyển tư duy từ chủ yếu là phân công và phối hợp sang một hướng mới là tập trung vào phân công rạch ròi, đi liền với đó là phân cấp, phân quyền cụ thể. Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức ở từng cấp kèm theo ràng buộc về trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm ở đây là thẩm quyền của ai thì người đó phải chịu trách nhiệm, và ngay cả trách nhiệm tập thể thì cũng phải bóc tách trách nhiệm từng nhân vật một. Có như vậy, bộ máy mới vận hành tốt.

Như chúng ta đã thấy, bội chi ngân sách khó kiểm soát chặt chẽ nếu như không tập trung một đầu mối. Với nợ công, với vốn ODA cũng vậy. Cơ quan tìm nguồn vốn làm theo trình tự, cơ quan lo trả nợ thì đến lúc kết thúc việc vay ODA mới có thể thống kê được. Như vậy là một bên đi vay, một bên khác lại tính sổ trả nợ, rất không hợp lý. Tôi cho rằng, phải có một đầu mối giúp cho Chính phủ quản lý chặt chẽ vấn đề này.
PV: Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên cơ chế hiện nay để tránh xáo trộn bộ máy, theo ông, kiến nghị này có hợp lý?

Đại biểu Lê Thanh Vân:  Theo tôi, việc muốn giữ cơ chế phối hợp vì không muốn xáo trộn là một cách biện hộ cho quan điểm không muốn thay đổi, cũng có thể ẩn chứa cả những lợi ích cục bộ của chính các bộ ngành. Nên muốn quản lý tốt thì phải nhìn nhận lại phương thức quản lý hiện tại để thấy được những bất cập, lỗ hổng để chúng ta khắc phục. Việc phân công, phân cấp trách nhiệm rạch ròi chính là cách để chúng ta kiểm soát quyền lực một cách tốt nhất. Như đã nói, cá nhân tôi tán thành phương án tập trung vào một đầu mối để quản lý, khắc phục những hạn chế hiện nay.

PV: Nhìn vào bức tranh tài chính năm nay cũng như vài năm gần đây, có thể thấy nợ công, bội chi khó kiểm soát trong giới hạn do một số vấn đề liên quan đến cơ chế phối hợp, như là giải ngân ODA chậm, hoặc vượt dự toán; GDP tính dự toán cao, trong khi thực tế thấp… Chúng ta nên khắc phục những vấn đề này thế nào, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân:  Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao chúng ta phải đổi mới hơn nữa trong tư duy về ngân sách, nợ công. Dự toán ngân sách nhà nước hiện nay chúng ta lập dựa trên dự báo tăng trưởng về GDP, mà dự báo thì là ý chí chủ quan. Trong khi đó, GDP tăng trưởng là yếu tố khách quan, vấn đề là làm sao chúng ta phải dự báo tiệm cận với thực tại khách quan.

Thông thường, thu chi, cân đối ngân sách dựa vào dự báo tăng trưởng GDP. Khi có những yếu tố bất thường, GDP trồi sụt, không hoàn thành mục tiêu đặt ra thì các nước thường điều chỉnh mục tiêu thu chi ngân sách, còn chúng ta thì chưa. Chúng ta chưa bao giờ điều chỉnh giảm chi khi GDP sụt giảm hoặc thu ngân sách sụt giảm. Những năm vừa qua, chủ yếu chúng ta giảm chi bằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, còn điều chỉnh chính thức để giảm chi phí khi kinh tế khó khăn, thu ngân sách hạn chế, GDP không đạt thì gần như chưa có.

Theo tôi, chúng ta nên đổi mới theo hướng GDP chỉ là đích đến ước lệ, còn khi tình hình thay đổi, chúng ta phải điều chỉnh hàng năm. Ở các nước, mỗi năm họ ra một luật ngân sách là vì vậy, và là để ưu tiên điều chỉnh phù hợp thực tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững, không bị sức ép trước mục tiêu đặt ra mà chú trọng vào giữ chặt chẽ kỷ luật tài khoá.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Yến
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889