Thủ tướng: 'Kinh tế miền Trung rất rời rạc'

KINHTENEWS - 14 tỉnh miền Trung có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nhưng chỉ chiếm gần 20% GDP cả nước do chưa kết nối tốt.

Chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung diễn ra ngày 20/8 tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví miền Trung trên bản đồ Việt Nam như "đốt xương sống của một con người", hay vẫn được gọi là đòn gánh miền Trung. "Nếu hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu sẽ gãy, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cả nước", Thủ tướng nói.

Các con số thống kê cho thấy đóng góp của khu vực miền Trung vào kinh tế cả nước chưa cao. Cụ thể, quy mô kinh tế của 14 tỉnh miền Trung đạt gần một triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% GDP cả nước. Trong khi đó, GDP của 28 tỉnh giáp biển đóng góp đến 73,8% GDP. Du lịch được xác định là thế mạnh của khu vực, nhưng doanh thu ở lĩnh vực này chưa tới 20%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Thủ tướng cũng chỉ ra nguy cơ mâu thuẫn trong ưu tiên phát triển. Theo đó, tăng trưởng công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 toàn vùng đạt 10,36% mỗi năm, cao hơn mức bình quân cả nước (8,1%). Song, ngành dịch vụ cũng có tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỷ trọng lên đến 41,59% kinh tế vùng. Do đó, ở giai đoạn tới, Thủ tướng cho rằng cần xử lý những vướng mắc từ quy hoạch, để "hai chân không dẫm vào nhau", có được bước đi nhanh và không vấp ngã.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ba nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất, với nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, ông Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng, trong đó lấy biển là trung tâm, quy hoạch đường ven biển, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường Đông Tây nối các tỉnh ven biển với Tây Nguyên. Giải pháp thứ hai là liên kết các ngành, lĩnh vực.

Thứ ba là nhóm giải pháp về nguồn lực. Bộ đề xuất ưu tiên nguồn lực nhà nước, trao đủ thực quyền cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ đạo, các Hội đồng vùng, các bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ trong vùng để có các sản phẩm mang tính ứng dụng, giải quyết được những vấn đề thực tiễn, có tính thương mại cao; hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp...

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Chính phủ sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn, nhằm phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, mỗi tỉnh miền Trung như một "đốt sống" kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như đang mắc căn bệnh "thoát vị đĩa đệm." 

Tình trạng phân mảnh về thể chế chính sách, cạnh tranh giành nguồn lực thay cho hợp tác và chia sẻ lợi ích đang làm cho nguồn lực khan hiếm bị lãng phí và không hiệu quả. Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao, năng lực quản trị nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế.

Cảng Quy Nhơn, một trong những cảng quốc tế quan trọng ở miền Trung. Ảnh: Nguyễn Dũng.

"Miền Trung phải xốc tới. Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, tinh thần là ngay bây giờ hoặc không bao giờ", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các tỉnh miền Trung cần định hướng phát triển bám sát năm trụ cột kinh tế gồm: ngư nghiệp; du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo; phát triển cảng biển, dịch vụ logistics; chế tạo, chế biến gắn với lợi thế cảng biển; phát triển năng lượng tái tạo và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

Để xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh cao cho miền Trung, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng.

Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho các tỉnh, thành phố; nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách của từng tỉnh, thành; tạo nguồn lực cho địa phương phát triển.

Bộ Giao thông Vận tải được yêu cầu đề xuất giải pháp để khai thác hiệu quả các cảng biển sẵn có; xây dựng phương án đầu tư hoàn thành hệ thống đường cao tốc trong khu vực, hệ thống đường ven biển và đường Đông - Tây lên Tây Nguyên. 

Về thu hút FDI, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần chọn lọc, ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiệt môi trường, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập, các dự án gắn với liên kết cụm ngành. 

Phạm Linh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889